Với loại phân bón này, nông dân Tây Nguyên yên tâm dùng bởi đảm bảo cây cà phê cân đối được tất cả các loại dinh dưỡng, không cần bổ sung gì thêm.
Ông Nguyễn Quang Hải, Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam như vậy về 2 sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường, phân bón chuyên dùng cho cây cà phê: NPK-S Lâm Thao 15-6-16+5S (mùa mưa) và NPK-S Lâm Thao 16-4-6+5S (mùa khô).
Cũng theo ông Hải, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa và Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã có sự liên kết nhiều năm, nhiều thế hệ trong việc nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng những sản phẩm phân bón mới.
“Chương trình phối hợp giữa hai đơn vị lần này trong việc nghiên cứu ra các loại phân bón chuyên dùng xuất phát từ chỗ, thị trường có quá nhiều loại phân bón và người dân không biết lựa chọn loại gì để bón cho phù hợp.
“Đầu bài” của chúng tôi là muốn tạo ra một loại phân bón chuyên dùng cho cây cà phê theo kiểu “đo ni đóng giày” cho vùng đất Tây Nguyên. Người dân cứ yên tâm dùng sản phẩm đó sẽ đảm bảo cho cây cà phê cân đối được tất cả loại các dinh dưỡng mà không cần bổ sung cái gì nữa.
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã tạo ra 4 loại phân bón cho 4 thời kỳ phát triển của cà phê gồm sau thu hoạch, thúc hoa nở, ra quả non và nuôi quả. Sai lầm từ trước tới nay của nhiều nông dân ở Tây Nguyên thường là bón quá nhiều phân NPK mà không biết mỗi loại NPK chỉ dùng cho một giai đoạn phát triển nào đó của cây.
Ví dụ cây đang cần đạm họ lại chọn loại NPK có nhiều kali, cây đang trong giai đoạn nuôi quả lại chọn loại NPK có nhiều đạm hoặc có nhiều lân. Phân NPK chuyên dùng cần là vì thế bởi nó định danh cho từng thời kỳ phát triển của cây.
Đợt này, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao mới đưa ra thị trường 2 loại phân bón đặt tên theo mùa mưa và mùa khô thực chất vẫn là bám theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây cà phê.
Cũng có nhiều công ty lớn có loại phân bón chuyên dùng cho cà phê, việc họ tạo ra dòng sản phẩm đó căn cứ trên cái gì tôi không rõ. Còn đối với dòng sản phẩm này hai đơn vị chúng tôi đã làm rất bài bản.
Trước tiên, phải xác định nhu cầu dinh dưỡng của cây cà phê trong từng giai đoạn là cái gì, thứ hai là khả năng cung cấp dinh dưỡng trong đất là bao nhiêu, rồi tính toán lại, bổ sung thêm một lượng phân bón vừa đủ.
Chúng tôi đã làm những việc đó ở trên địa bàn 2 tỉnh tại Tây Nguyên trong 2 năm. Khi đưa ra được công thức phân bón chuyên dùng và chúng tôi đã xây dựng mô hình đạt kết quả tốt, được người dân sở tại đánh giá cao.
Sau đó, nhà máy của Lâm Thao chưa phát triển những sản phẩm mới này ngay, có thể là thăm dò thị trường hoặc để hoàn thiện dây chuyền sản xuất, đến giờ mới tung ra.
Quan điểm phát triển bền vững hiện nay, ngoài chăm cây phải dưỡng đất. Riêng với việc dưỡng đất có 2 khía cạnh, thứ nhất không để tích lũy các chất dinh dưỡng quá nhiều gây lãng phí, thứ hai là phải cung cấp cho đất, cho cây một lượng dinh dưỡng vừa đủ để làm sao vẫn giữ nguyên được độ phì của đất.
Giờ người ta không tiếp cận theo hướng nâng cao các hàm lượng dinh dưỡng trong đất nữa. Sức khỏe của đất còn liên quan đến hàm lượng hữu cơ, vi sinh vật có ở bên trong nhiều hơn là việc cố gắng tích lũy dinh dưỡng”.
Ông Phạm Phú Hưng, Giám đốc Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bình Định,nhà phân phối của Lâm Thao nhấn mạnh câu “nhập gia tùy tục” khi đưa sản phẩm phân bón ngoài Bắc vào Nam vì thực tế khí hậu, thổ nhưỡng hai nơi khác nhau, cách kinh doanh phân bón cũng khác.
“Trong Nam chú trọng nhiều hơn về phân bón hàm lượng cao, thị trường cạnh tranh rất khốc liệt. Tôi kinh doanh phân bón đã nhiều năm, cũng phân phối NPK, phải nói là trong Nam đi trước ngoài Bắc về công thức phân bón phù hợp cho từng loại cây trồng, thứ nữa là khảo sát, đáp ứng thị hiếu của nông dân như độ tan, bao bì, hình ảnh… Lâm Thao ở ngoài Bắc rất tốt rồi nhưng với những dòng sản phẩm mới đang triển khai vào Nam phải nghiên cứu, đầu tư nhiều hơn về marketing.” Ông Phạm Phú Hưng nhấn mạnh.
Tôi phân phối cho Lâm Thao mới chỉ hơn 3 năm, mỗi năm được trên dưới 20.000 tấn. Xưa cơ chế của Lâm Thao rất chồng chéo, ít làm công tác thị trường, marketing, giờ đã có nhiều sự thay đổi như mã QR code để kiểm soát vùng miền cùng chính sách bán hàng khá hợp lý nên hệ thống phân phối bắt đầu làm lại.
Cái tiếng của phân bón Lâm Thao từ xưa đến giờ là NPK hàm lượng thấp, giờ đi vào thị trường hàm lượng cao cũng phải có thời gian. Lâm Thao là đơn vị rất lớn, ba lần Anh hùng, là “anh cả” của ngành phân bón, tôi tin rằng có thể làm được”.