37.9 C
Chư Sê
Chủ Nhật, Tháng Tư 14, 2024

Phát huy vai trò già làng ở Gia Lai

Must read

Các dân tộc ở Tây Nguyên có tính cộng đồng rất cao. Mỗi làng suy tôn một thủ lĩnh (già làng) đại diện cho dân làng quyết định những vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Sau già làng, những người có uy tín trong làng cũng được bà con tôn trọng, nghe và làm theo. Bằng chính uy tín của mình, già làng có khả năng tiếp thu, chuyển tải những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân…

Tích cực xây dựng nông thôn mới

Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có hơn 8.100 già làng và người có uy tín. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đội ngũ già làng và người có uy tín đã có công lớn trong việc tổ chức lãnh đạo nhân dân nổi dậy chiến đấu chống kẻ thù, bảo vệ buôn làng, diệt ác, trừ gian, vận động nhân dân một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Ngày nay, họ là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; có nhiều đóng góp thiết thực trong phong trào thi đua yêu nước, vận động đồng bào thực hiện tốt chính sách dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc, tích cực vận động, hướng dẫn đồng bào tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Để hiểu thêm về vai trò của các già làng trong phát triển sản xuất, vận động bà con trồng lúa nước, vươn lên thoát nghèo bền vững, chúng tôi tìm gặp ông Siu Quý (62 tuổi, dân tộc Giơ Rai), già làng Tung ở xã biên giới Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Không giấu được niềm vui, ông cho biết:

– Tôi là một trong những người tiên phong theo bộ đội trồng lúa nước. Buổi đầu tuy có bộ đội tận tình hướng dẫn, giúp sức nhưng gia đình tôi đã không thành công. Vợ tôi buồn lắm, nhưng tôi thì không nản, vừa trồng vừa học hỏi và rút ra kinh nghiệm từ cày đất, chọn giống, bón phân, khử chua, trừ phèn… Chỉ hai năm sau, tôi bắt đầu thu được kết quả. Mỗi vụ, một héc-ta lúa thu hoạch xong, trừ các khoản chi phí, tôi lãi hơn 20 triệu đồng. Vừa vận động bà con tích cực trồng lúa nước, tôi vừa “cầm tay chỉ việc” cho người dân. Từ buổi đầu không có ai biết trồng lúa nước, đến nay 163 hộ ở làng Tung và hơn 1.570 hộ dân trong xã đã trồng lúa nước. Hiện diện tích lúa nước của bà con đã là hơn 60ha, không chỉ mở rộng trên địa bàn mà còn phát triển rộng ở Ia Mơ (Chư Prông), Ia O (Ia Grai), Ia Ly (Chư Păh), tỉnh Gia Lai.

Phát huy vai trò già làng ở Gia Lai
Cán bộ Công ty 74 (Binh đoàn 15) trao đổi kinh nghiệm sản xuất với các già làng vùng biên giới Đức Cơ (Gia Lai).

Cái hay, cái làm được của già làng Siu Quý đã lan nhanh trên địa bàn vùng biên giới Gia Lai. Già làng Rơ Manh Pết, dân tộc Giơ Rai ở làng Đo, xã Ia Dưk (Đức Cơ); ông Rơ Lan Ginh-già làng Tung Chúc, xã Ia Chía (Ia Grai) và nhiều già làng khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông đã tích cực vận động người dân địa phương bỏ những tập tục lạc hậu, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa buôn làng và đầu tư trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, hồ tiêu… Sau khi “khoe” với chúng tôi về “sự kiện” gia đình ông vừa mới mua một chiếc xe ô tô để đi làm, già làng Rơ Lan Ginh bộc bạch: “Ngoài nhận khoán 4ha cao su của Công ty 715 (Binh đoàn 15), gia đình mình còn trồng thêm 4ha cao su, 5ha điều và hơn 1ha mỳ. Mỗi năm, mình thu nhập từ 200 đến gần 300 triệu đồng. Có tiền, gia đình mình đầu tư cho con cái ăn học, trồng thêm cà phê, hồ tiêu và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ bà con cây giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác… góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững”.

Đến vùng biên giới Mo Rai, tỉnh Kon Tum, ai cũng biết ông A Hải, già làng KĐinh, người gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, đặc biệt là vận động người dân hiến đất làm đường, xây trạm xá… Riêng gia đình ông hiến cho Công ty 78 (Binh đoàn 15) hơn 1.000m2 đất vườn đã trồng cây ăn trái, cây công nghiệp để làm đường và xây trạm xá. Ông A Teng, Trưởng làng KĐinh, cho biết: “Thấy cuộc sống của người dân còn đói khổ, già làng A Hải vận động mọi người khai hoang đất làm ruộng nước, nuôi thêm con heo, con bò để lấy phân bón ruộng. Gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, đặc biệt là vận động bà con từ bỏ những hủ tục lạc hậu để chung sức lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng thành công chương trình xây dựng nông thôn mới”.

 Tham gia bảo vệ an ninh chính trị

Ngoài việc gương mẫu lao động, tích cực vận động bà con đẩy mạnh phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống, thời gian qua, đội ngũ già làng ở các tỉnh Tây Nguyên đã phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân, xây dựng sức mạnh lòng dân, gương mẫu, tiên phong trong mọi phong trào, lĩnh vực; tích cực vận động người dân thực hiện tốt những quy định về bảo vệ an ninh Tổ quốc; hăng hái tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; đóng góp kinh nghiệm trong việc xây dựng chính quyền cơ sở và giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Vùng biên giới Ia O (Ia Grai) một thời là “điểm nóng” về việc một số đối tượng thanh niên tụ tập quấy rối và một bộ phận người dân nhẹ dạ nghe bọn xấu xúi giục vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia, nay đã được bình yên. Già làng Ksor Phiếu ở làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai), cho biết: “Các anh thấy đó, vùng biên giới này đã bình yên trở lại, không còn nạn vượt biên, gây rối… Công lao đó trước hết thuộc về cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương đã biết phát huy vai trò của già làng, trưởng bản trong vận động người dân tố giác tội phạm, cảnh giác trước âm mưu kích động, chia rẽ của kẻ thù, không vượt biên, không tụ tập quấy rối vi phạm pháp luật. Nghe lời cán bộ nói, mình đã vận động bà con đoàn kết, không vượt biên, tích cực lao động sản xuất, làm giàu trên quê hương. Nhờ tinh thần cảnh giác mà tháng trước mình đã bắt được hai đối tượng từ Đăk Đoa (Gia Lai) lên định vượt biên sang Cam-pu-chia, vận động hàng chục thanh niên tích cực làm ăn, không nghe và đi theo kẻ xấu”.

Xuất phát từ vai trò quan trọng của các già làng trong đời sống cộng đồng, các địa phương ở Tây Nguyên luôn quan tâm, có nhiều chính sách hợp lý đối với đội ngũ già làng, người có uy tín. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa vai trò của già làng, trưởng bản trong tình hình hiện nay, cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và đoàn thể các địa phương cần thường xuyên gặp gỡ, động viên, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực, đồng thời có nhiều chính sách đãi ngộ phù hợp với các đối tượng này, góp phần xây dựng vùng đất Tây Nguyên ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI – QDND

Rate this post

More articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Latest article