37.9 C
Chư Sê
Chủ Nhật, Tháng Tư 14, 2024

Sản xuất hồ tiêu bền vững: Phòng bệnh tốt mới thắng!

Must read

Tại thủ phủ hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) Trung tâm Khuyến nông quốc gia vừa phối hợp Sở NNPTNT Gia Lai tổ chức Diễn đàn “Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững khu vực Đông Nam Bộ – Tây Nguyên” nhằm tìm ra những giải pháp đồng bộ cho sản xuất hồ tiêu bền vững.

Thực trạng đáng báo động

Chỉ trong vòng 3 năm, diện tích hồ tiêu cả nước tăng đột biến. Năm 2012, diện tích của cả nước chỉ đạt hơn 57.000ha thì năm 2015 đã tăng lên hơn 85.000ha. Tại Gia Lai, 3 năm trước, diện tích hồ tiêu chỉ ở mức trên dưới 8.000ha, đến năm 2015 tăng lên hơn 13.000ha. Điều này một lần nữa được ông Nguyễn Nhĩ – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Gia Lai khẳng định: Theo quy hoạch đến năm 2020, Gia Lai chỉ có 5.000ha hồ tiêu, trong khi con số thực tế hiện nay là hơn 13.000ha và đấy vẫn chưa là con số cuối cùng… Có thể nói, ở Gia Lai, người người, nhà nhà trồng tiêu; bất chấp khuyến cáo của các nhà chuyên môn cũng như cơ quan chức năng. Hệ lụy nhãn tiền, nhiều nông dân trắng tay, nhà cửa, rẫy vườn cầm cố vì tiêu chết hàng loạt.

Sản xuất hồ tiêu bền vững: Phòng bệnh tốt mới thắng!
Vườn tiêu trồng theo mô hình trồng tiêu bền vững bằng cây keo dậu của hộ ông Đồng Quốc Bảo ở xã Al Bá (Chư Sê, Gia Lai). Ảnh: Q.D

Mấy năm qua, hàng trăm ha hồ tiêu đã bị chết trên địa bàn tỉnh Gia Lai, thiệt hại phải lên cả nghìn tỷ đồng. Như hộ ông Nguyễn Tấn Minh ở thôn Trao Cho, xã Ia H’rú (Chư Pưh) có 2ha hồ tiêu kinh doanh. Vừa qua, hồ tiêu đã chết rải rác khoảng 1.000 gốc (4 sào). Cứ tính trung bình một gốc hồ tiêu cho thu khoảng 4kg thì ông Minh thất thu 4 tấn, với giá thị trường đang ở mức 200.000-220.000 đồng/kg hiện nay, ông mất trắng gần cả tỷ bạc. Đấy là chưa kể tiền đầu tư từ khi bắt đầu trồng cho đến khi thu hoạch chừng đó diện tích vào khoảng 500 triệu đồng.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Tại diễn đàn, nhiều câu hỏi liên quan đến việc có hay không thuốc đặc trị cho bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu. Câu trả lời của cơ quan chức năng từ trung ương là chưa hề có thuốc đặc trị. Tuy nhiên người trồng hồ tiêu đã được các nhà chuyên môn hướng dẫn nhiều cách phòng chống tích cực. Ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khuyến cáo người dân nên dựa vào các biện pháp phòng ngừa là chủ yếu để bảo vệ vườn tiêu của mình trước các nguy cơ dịch hại. Đầu tiên là phải coi trọng khâu chuẩn bị đất, cày đất phơi ải, thu dọn và tiêu hủy toàn bộ tàn dư, nhổ bỏ và tiêu hủy toàn bộ rễ tiêu còn trong đất nếu là tái canh. Thiết kế vườn cây tận dụng tốt ánh nắng mặt trời, xây dựng hệ thống thoát nước, tưới tiêu hợp lý, đảm bảo thoát nước tốt trong mùa mưa, không để đọng nước ở gốc tiêu dẫn đến tình trạng rễ tiêu bị úng nước chết…

Thứ đến là khâu chọn giống, phải sử dụng giống tiêu có nguồn gốc rõ ràng, không nhiễm bệnh, giống có khả năng chống chịu hoặc nhiễm nhẹ với sâu bệnh, tuyến trùng; tránh trường hợp sử dụng hom giống ở vườn tiêu bị nhiễm bệnh. Áp dụng biện pháp canh tác tổng hợp tạo điều kiện cho cây tiêu mạnh khỏe như: Bón lót phân hữu cơ, vôi, phân hữu cơ có Trichoderma, bón phân vô cơ cân đối, đúng lúc. Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh vườn tiêu, cắt tỉa cành lá cây che bóng…

[quote_box_left]

Ông Nguyễn Tấn Minh

Tiêu chết, xót ruột mà chẳng biết làm gì. Nghe ai bày gì hay cũng làm theo, cũng bơm thuốc… Tiêu chết vẫn cứ chết, chẳng thể cứu được.[/quote_box_left] Cũng theo hướng dẫn của ông Hòa, khi phát hiện vườn tiêu có dây, trụ tiêu bị chết, phải tiến hành nhổ bỏ toàn bộ thân, rễ cây tiêu bị chết, thu gom lá, cành rơi rụng đem tiêu hủy. Trường hợp cần thiết phải cuốc đất xung quanh hố tiêu bị chết sâu 30-40cm đảo kỹ nhiều lần để thu gom rễ để tiêu hủy. Phơi đất, kết hợp bón vôi bột toàn bộ diện tích để xử lý đất trừ mầm mống sâu bệnh trong thời gian 1 năm.

Tại diễn đàn, nhiều kinh nghiệm, bài học đã được chia sẻ. Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông quốc gia khuyến cáo người dân nên chuyển dần sang trồng trụ tiêu sống, phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững. Một trong những nguyện vọng chính đáng của nông dân là vấn đề giống được ông Đặng Bá Đàn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hồ tiêu Gia Lai cho hay: “Trước thực trạng tiêu chết như “đại dịch”, Nhà nước đã cho thành lập trung tâm nhằm nghiên cứu tìm ra loại giống tốt nhất, cho năng suất cao, chống chịu được sâu bệnh cung cấp giống cho bà con nông dân. Hiện trung tâm đang tiến hành trồng thử nghiệm, sẽ sớm cho kết quả. Hiện bộ giống tiêu ở tỉnh Gia Lai tương đối nghèo và không có nguồn gốc rõ ràng khiến nguy cơ lây bệnh rất lớn.

Rate this post

More articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Latest article