Ngày 28-6, Bộ GTVT phối hợp với Tập đoàn Đức Long Gia Lai và các đơn vị tổ chức lễ thông tuyến quốc lộ 14 đoạn từ Gia Lai đi Đắk Nông.
Như vậy, sau nhiều năm ì ạch trên “tuyến đường đau khổ”, quốc lộ 14 đã chính thức thông tuyến.
Quốc lộ (QL) 14 đoạn từ Kon Tum đến Bình Phước có tổng chiều dài hơn 600km, được khởi công từ năm 2008. Trong ngày 28-6, đi suốt QL14 từ Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) về đến tỉnh Đắk Nông là hình dáng một tuyến đường được nhiều người ví là “dải lụa của Tây nguyên”.
Đường rộng 12m, mặt nhựa đen nhẵn và láng bóng. Các đoạn cong cua được bạt thẳng, xuyên qua các dãy rừng thông.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông – không giấu được niềm vui: “Người dân chờ tuyến đường này từ lâu lắm rồi. Đường đẹp như thế này sẽ tạo điều kiện cho Đắk Nông kéo các nhà đầu tư trở lại với địa phương”.
“Đường như dải lụa”
Từ thị trấn Đắk Tô (huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) xuôi theo QL14 đi về đến giáp ranh hai tỉnh Đắk Nông – Bình Phước đường rộng thênh thang được chia hai làn, mỗi làn rộng tới 5m. Ngoài hai làn này còn có làn nhỏ dành cho xe thô sơ.
Qua khỏi dốc Hàm Rồng tại xã Ia Băng (huyện Đắk Đoa, Gia Lai), QL14 được tráng nhựa phẳng lì, xe chạy một mạch thẳng về trung tâm huyện Chư Sê. Từ thị trấn Chư Sê về đến địa phận tỉnh Đắk Lắk, đường cũng đẹp và thông thoáng.
Nhiều năm trước, nhắc đến QL14 đoạn qua trung tâm thị trấn Chư Sê cánh tài xế lẫn người dân lắc đầu ngao ngán. Đường ngập ngụa trong bùn đất mỗi khi mưa xuống, người dân phải lội bì bõm và luồn lách qua từng ổ gà mở rộng tràn ra mặt đường.
Khổ nhất là nhiều xe tải khi đụng phải ổ gà sâu bị gãy nhíp phải nằm lại giữa đường. Nhưng QL14 bây giờ đã khác. Bà Nguyễn Thị Phước – người dân ở thôn Tao Kó (xã Ia Hru, huyện Chư Sê) – nói: “Đường được làm mới rồi nên dân chúng tôi đi thấy sướng lắm. Mỗi khi có việc ra phố hoặc ốm đau đưa người thân đi bệnh viện cũng thuận lợi, mưa nắng gì cũng không ngại”.
Nhiều doanh nghiệp vận tải tại các tỉnh Tây nguyên hồ hởi trước việc QL14 thông tuyến. Ông Trương Văn Luận – phó giám đốc nhà xe Thuận Tiến Gia Lai – cho biết hiện nay nhờ đường đẹp, thông thoáng nên hành trình xe khách từ trung tâm TP Pleiku đi về TP.HCM (530km) chỉ còn 12 giờ, rút ngắn được khoảng hai giờ so với trước đây.
“Thời điểm đường xấu, chi phí mỗi chuyến xe đi về là rất lớn, từ việc hỏng hóc máy móc, ổ gà làm vênh lốp, nổ lốp cho tới gãy nhíp. Những thiệt hại đó có thể thấy được nhưng có nhiều thiệt hại lớn hơn không thể tính được bằng tiền như sức khỏe tài xế, hành khách ta thán. Đối với nhà xe đường dài như chúng tôi thì không gì mừng bằng đường đẹp” – ông Luận nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Đảnh – chủ Công ty dịch vụ và vận tải hàng hóa Tín Nghĩa (Gia Lai) – nói: “Chưa bao giờ Tây nguyên có đường đẹp như ngày hôm nay. Chúng tôi hiện có hơn 20 xe tải, chuyên vận chuyển hàng hóa nông sản từ Đắk Lắk đi TP.HCM và ngược lại. Nay đường đẹp, số lượng hàng hóa chạy nhanh, nhiều đơn đặt hàng được ký kết giúp công ty ăn nên làm ra. Trước đây chạy Đắk Lắk – TP.HCM mất 12 tiếng, giờ rút ngắn xuống còn 9-10 tiếng. Tiết kiệm được xăng dầu, nhớt và thời gian bảo trì xe lâu hơn”.
Kéo nhà đầu tư trở lại Tây nguyên
Nhiều năm trì trệ do QL14 xuống cấp, nay đường đã thông thoáng nên nhiều lãnh đạo địa phương của Tây nguyên cho biết Tây nguyên đang đứng trước cơ hội để bứt phá.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Đào Xuân Liên kỳ vọng: “Trước đây nông sản hàng hóa của người dân Tây nguyên đưa về các tỉnh Đông Nam bộ rất khó khăn, kết nối giao thương bị ách tắc do đường sá. Việc khánh thành QL14 có ý nghĩa hết sức quan trọng để thúc đẩy giao lưu hàng hóa thông suốt”.
Trong khi đó, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh chia sẻ: “Đường làm xong rồi chúng tôi mừng, dân còn mừng hơn bởi trước đây muốn đi đâu cũng nghĩ đến đường là thấy ớn. Nay thì khác rồi. Chúng ta nói kinh tế Tây nguyên nhiều tiềm năng, hấp dẫn đầu tư nhưng trước đây đường sá như thế thì cũng có nhiều đơn vị đăng ký rồi bỏ cuộc. Nay riêng địa phương chúng tôi đã có một số đơn vị quay trở lại, đây là tín hiệu mừng và cũng là cơ hội cho chúng tôi”.
Ông Võ Văn Hùm – giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông – cho biết ngoài đường hàng không thì vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ trên các trục quốc lộ, trong đó chủ yếu là QL14 như xương sống của Tây nguyên, là hết sức quan trọng. Đường thông thoáng sẽ giảm thiểu tai nạn giao thông, đưa Tây nguyên kết nối với đồng bằng.