Tiêu lốp (Long pepper). Các tên khác tại Việt Nam: Tiêu dài, tiêu thất, tiêu lá tim. Tên khoa học là Piper longum thuộc họ thực vật Piperaceae có lẽ đã đến Âu Châu trước tiêu đen (Black pepper) từ lâu. Tiêu lốp được đánh giá cao trong thời đế quốc La Mã và được định giá cao gấp ba lần hơn tiêu đen và vị của tiêu lốp, vừa cay vừa ngọt, rất thích hợp với các món ăn và khẩu vị La Mã.
Ngày nay, tiêu lốp rất ít được biết đến và trở thành ít thông dụng. Tiêu lốp được xem như một vị thuốc hơn là một gia vị.
1. Mô tả cây tiêu lốp
Cây tiêu lốp thuộc loại thân thảo, phần gốc mọc bò. Thân cành mang hoa, không lông, đứng thẳng, có thể cao 2-4 m. Lá mọc so le, có cuống ngắn. Phiến lá hình trứng, thuôn, dài khoảng 6-7.5 cm, rộng 3-5 cm. Gốc hình quả tim, hơi lệch một bên. Đầu lá nhọn, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông nhỏ. Lá có 5-7 gân.
Cụm hoa mọc thành bông. Hoa đơn tính. Hoa đực dài khoảng 3.5 cm, có trục nhẵn, lá bắc tròn, có 2 nhị. Hoa cái ngắn hơn, khoảng 1.5 cm, có cuống ngắn.
Cụm quả hình trụ, hơi cong, do nhiều quả mọng nhỏ tập họp tạo thành, dài 1.5-3.5 cm, đường kính 0.3-0.5 cm, mặt ngoài màu đen hay nâu. Gốc cụm quả có cuống còn sót lại hay vết của cuống đã rụng. Quả mọng nhỏ, hình cầu. Hạt tròn hay gần như tròn cỡ 2-2,5 mm.
Tiêu lốp là cây thuộc vùng nhiệt đới châu Á. Phân bố tự nhiên tại Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nam Trung Hoa (Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây), Đông Nam Á (Việt-Miên-Lào), Thái, Mã Lai, Singapore, Phi. Tại Việt Nam, cây trồng tương đối phổ biến ở các tỉnh vùng cao nguyên trên toàn quốc.
2. Dược tính từ cây tiêu lốp
Tiêu lốp được dùng làm gia vị và làm thuốc trong dân gian, nên được cho là an toàn khi sử dụng với những số lượng vừa đủ. Tuy nhiên, do quả được ghi nhận là có hoạt tính ngừa thai khi thử trên thú vật nên tránh dùng cho phụ nữ đang mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ.
Piperine có những hoạt tính tương tác sinh học như can thiệp vào các hoạt động xúc tác sinh hóa của một số men (enzyme) trong cơ thể, ức chế men Arylhydrocarbon hydrolase (AHH) và UDP- glucoryltransferase nơi gan, nên có khả năng gây thay đổi sự hấp thu phenytoine và barbiturates trong cơ thể.
Tiêu lốp có thể gây tăng hiệu ứng thuốc và tăng phản ứng phụ khi dùng chung với phenytoin (Dilantin), propranolol (Inderal), theophylline.
Người Trung Quốc sử dụng Tiêu lốp để trị các chứng bụng lạnh, đau, nôn, buồn ói, tiêu chảy. Dược học cổ truyền Việt Nam dùng tiêu lốt để trị đau bụng, ‘lạnh’ bao tử, nôn-ói ra nước chua, sôi bụng, tiêu chảy, đau nhức đầu, chảy nước mũi, viêm xoang, đau răng sâu, kinh nguyệt không đều.
3. Cách dùng tiêu lốp trong ẩm thực các nước
Tiêu lốp được dùng khá thông dụng trong các món ăn Ấn Độ và Bắc Phi. Do sự khác biệt trong thành phần terpene nên tiêu đen không thay thế được tiêu lốp. Hương vị của tiêu lốp được xem là pha trộn giữa cay và ngọt. Tiêu lốp cay hơn tiêu đen nên người “ít ăn cay” nên thận trọng.
Tại Bắc Phi, nơi các vùng Hồi giáo (Bắc và Đông Phi Châu), tiêu lốp đã được các nhà buôn Ả Rập đem đến và trở thành một gia vị thông dụng dùng trong nhiều món ăn truyền thống địa phương, nhất là Maroc và Ethiopia.
Tại Maroc, tiêu lốp là một trong những gia vị tạo thành hỗn hợp “ras el hanout” dùng trong nhiều món ăn truyền thống.
Tại Ethiopia, tiêu lốp quan trọng hơn, dùng trong các món thịt hầm (wat), như bò hầm (siga wat), gà hầm (doro wat). Tiêu lốp được pha trộn với tiêu đen, đậu khấu, đinh hương và nghệ. Hỗn hợp trộn Berbere của Ethiopia gần tương tự với marsala của Ấn Độ, được dùng để ướp các món ăn từ thịt trừu.
Dân gian Việt Nam dùng tiêu lốp làm muối tiêu lốp, vừa là món ăn vừa là bài thuốc gia truyền, có vị rất thơm, cay nhẹ, có tính ấm, dễ tiêu, dùng tốt cho phụ nữ sau khi sinh và nuôi con nhỏ, người lớn tuổi, người ăn kiêng giảm cân, người ăn chay… Theo người xưa, tiêu lốp là bài thuốc gia truyền làm giảm bớt đau bụng.