Theo TTXVN, tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 15.000 ha hồ tiêu, vượt so với quy hoạch 9.000 ha (quy hoạch của tỉnh Gia Lai đến năm 2020 giữ ở mức 6.000 ha tiêu) tập trung chủ yếu ở Chư Sê 3.500 ha, Chư Pưh 2.600 ha… Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh này đã có gần 1.700 ha hồ tiêu bị ảnh hưởng do hạn; trong đó, có 73 ha bị mất trắng. Do đó, việc áp dụng mô hình tưới tiết kiệm là giải pháp tối ưu và được nhân rộng để duy trì sự phát triển của các vườn hồ tiêu trong cơn đại hạn.
Trong bối cảnh khô hạn khốc liệt đang diễn ra khắp mọi nơi, rất nhiều vườn tiêu đã vàng úa và có thể chết cháy trong nay mai, thì vườn tiêu 3 ha của gia đình anh Lê Hùng Huấn ở thôn An Điền, xã Ia Blang, huyện Chư Sê lại luôn xanh ngát tràn đầy sức sống.
Từ xa nhìn vào, vườn tiêu của anh cứ ngắt xanh dưới cái nắng như đổ lửa của cơn đại hạn. Bước vào vườn tiêu, cảm giác man mát đến dễ chịu, không thể nghĩ rằng ở ngoài kia đang hầm hập nóng. Áp dụng mô hình tưới tiết kiệm từ năm 2013, anh Huấn cho biết, đây là mô hình tưới tiết kiệm rất hiệu quả bởi đất không bị nén; mặt đất luôn giữ được độ ẩm, tiết kiệm nước và phân bón, tiết kiệm công tưới, đặc biệt vườn cây phát triển rất tốt.
Khác trong việc áp dụng mô hình tưới tiết kiệm của anh Huấn là không chỉ tưới nhỏ giọt dưới gốc, mà anh còn thiết kế hệ thống tưới phun mưa phía trên cây tiêu. Việc tưới phun mưa trên lá, theo ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, là vô cùng cần thiết, bởi hồ tiêu là cây lưỡng tính (tự thụ phấn) nên cần có mưa (nước) tác động để làm rách bao phấn, quá trình thụ phấn sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra, tưới phun mưa còn làm giảm tác hại của những cơn mưa axít, thường xuất hiện vào đầu mùa mưa Tây Nguyên…
Cũng theo anh Huấn, ngoài việc tiết kiệm nước và phân bón đến 40%, tiết kiệm công lao động, hệ thống này còn có tác dụng hạn chế được cỏ dại, hạn chế sự lây lan mầm bệnh trong đất. Mặc dù, năm nay đang cho thu hoạch bói (lần đầu) song chắc chắn năng suất cao hơn hẳn so với số vườn hồ tiêu trong vùng chăm sóc theo cách truyền thống. Phương pháp tưới lý tưởng này đang mở ra cơ hội lớn để bà con nông dân canh tác cây tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu.