23 C
Chư Sê
Thứ Hai, Tháng Ba 25, 2024

Bệnh héo lụi cây gừng do vi khuẩn, cách khắc phục thế nào?

Must read

Gừng là một loại cây gia vị mang lại giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, Gừng được trồng ở nhiều địa phương trên cả nước ta đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều người bà con và hộ nông dân còn thiếu kinh nghiệm trồng gừng nên gặp phải không ít những rủi ro khi cây gừng bị bệnh trông đó có bệnh héo lụi cây gừng. Công ty Nông sản Việt Tuấn xin chia sẻ bài viết về cách nhận biết bệnh ở cây Gừng và biện pháp khắc phục nhằm tránh thiệt hại cho bà con.

1. Tác nhân gây bệnh và triệu chứng bệnh
Bệnh héo lụi vi khuẩn còn được gọi với nhiều tên khác nhau như thối củ, thối nhũn, héo lá, héo lá thối củ. Tác nhân gây bệnh được cho là vi khuẩn Ralstonia solanacearum race 4, phân bố trên nhiều nước ở châu Á và các đảo Thái Bình Dương.

Triệu chứng ban đầu của bệnh là vàng nhẹ và héo các lá bên dưới, sau đó dần lên các lá phía trên, ảnh hưởng đến các lá non, sau đó chuyển vàng nâu toàn bộ tán lá (hình 1). Trong điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển, toàn bộ chồi bị nhũn và héo khá nhanh, khiến lá chưa kịp vàng, hóa nâu chỉ trong 3-4 ngày. Chồi gừng nhiễm bệnh bị mềm và nhũn, dễ tách ra khỏi củ khi nhổ lên.

Phần củ dưới mặt đất cũng bị nhiễm bệnh. Ban đầu mô củ bị biến màu, chuyển màu nâu tối và sũng nước phần ở tâm của củ. Sau đó toàn bộ củ mềm và thối nhũn (hình 2). Cắt ngang phần củ bị bệnh, có thể thấy chất dịch nhầy màu vàng kem ứa ra. Khi nhúng mặt cắt này vào ly nước có thể thấy dịch nhầy này sẽ ứa ra, dần tan trong nước. Đây là một trong những cách đơn giản để nhận diện bệnh và phân biệt với triệu chứng héo do nấm Fusarium gây ra.

2. Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh
Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện mưa nhiều, đất ẩm ướt, đọng nước, úng ngập. Thoát nước tốt và tránh trồng gừng lúc mưa nhiều có thể giúp giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh. Vi khuẩn xâm nhập vào cây gừng qua các lỗ mở tự nhiên hoặc qua vết thương trên rễ và củ do quá trình chăm sóc hoặc do tuyến trùng hay côn trùng gây ra.
Bệnh có thể lây lan qua đất, củ giống, nguồn nước, công cụ, phương tiện, máy móc, xe cộ, nhân công, động vật di chuyển ra vào vườn. Đất dính vào công cụ, vỏ xe, máy móc, giày dép, động vật sẽ có thể lây lan từ vườn bệnh sang vườn khác. Vi khuẩn gây bệnh cũng có thể lây lan qua nguồn nước, nhất là nước tưới. Sử dụng củ giống nhiễm bệnh là nguyên nhân làm lây lan ở khoảng cách xa và diện rộng hơn. Vi khuẩn có thể sống sót trên tàn dư cây nhiễm bệnh hoặc sống tự do chờ cơ hội xâm nhiễm trở lại.

3. Biện pháp đối phó với bệnh
1) Chọn vị trí trồng: Chọn đất trồng nơi thoát nước tốt, không bị úng ngập, tù đọng. Những khu vực trồng gừng nhiều năm (trên 4-5 năm) cần kiểm tra kỹ trước khi trồng do có thể nhiều chỗ đã bị nhiễm bệnh.

Đất bằng phải lên líp và trồng trên mô để thoát nước tốt. Trên đất dốc, tránh lập vườn nằm dưới những vườn đã nhiễm bệnh phía trên dốc để tránh nguy cơ lây lan.
Nên chú ý vun hàng cho gừng (3-5 lần) để tạo cơ hội thoát nước tốt đồng thời giúp gừng sinh trưởng tốt và phát triển củ thuận lợi

2) Tránh trồng gừng thời điểm mưa nhiều, đất ẩm ướt vì làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho gừng khi trồng.

3) Cần bón phân cân đối, đủ lượng để tăng cường sức khỏe cây. Bên cạnh phân vô cơ chú ý bón phân hữu cơ.

4) Ngăn ngừa nguồn bệnh xâm nhập, lây lan:
Khi chuẩn bị đất trồng, chỉ sử dụng công cụ, phương tiện và vật dụng không mang nguồn bệnh hoặc được khử trùng thích hợp. Dùng dung dịch nước Javel 10% khử trùng các bề mặt dụng cụ và phương tiện nghi ngờ chứa nguồn bệnh.

Vườn cần có rào cách ly, ngăn ngừa nguồn bệnh xâm nhập lây lan. Hạn chế các phương tiên, gia súc, động vật và du khách vào vườn vì nguồn bệnh có thể xâm nhập qua đất nhiễm bệnh dính vào bàn chân, động vật, giày dép, bánh xe, công cụ chăm sóc.

Cây nhiễm bệnh cần tiêu hủy, khoanh khu cách ly và không trồng lại gừng hoặc các cây là ký chủ của bệnh. Những vườn nhiễm nặng cần tiêu hũy và có biện pháp cách ly, kiểm dịch, ngăn chặn lây lan.

5) Sử dụng củ giống sạch bệnh: Đây là biện pháp rất quan trọng cần thực hiện. Nếu tự để củ giống, phải đảm bảo lấy từ vườn sinh trưởng tốt, không có bệnh và được bảo quản thích hợp để tránh củ giống nhiễm bệnh khi lưu giữ. Mỗi vùng sản xuất nên tổ chức sản xuất củ giống sạch bệnh để cung cấp cho người trồng.

6) Phân hữu cơ cần ủ hoai, đảm bảo không chứa nguồn bệnh. Có thể sử dụng biện pháp ủ nóng hay bổ sung thêm một số vi sinh vật có ích trong quá trình ủ để giảm nguy cơ nguồn bệnh có trong phân hữu cơ. Chế phẩm chứa nấm Trichoderma spp. (như dòngTrichoderma asperellum, Trichoderma viride) có thể áp dụng bằng cách trộn với phân hữu cơ trước khi bón.

7) Bón vôi: Bón bổ sung đá vôi nghiền hay đôlômít để cải thiện độ pH đất nếu đất chua. Tùy loại đất và độ chua, có thể bón 2-4 tấn/ha.

8) Nguồn nước tưới sạch bệnh: Nếu có sử dụng nước tưới, cần đảm bảo nước tưới không chứa nguồn bệnh. Nước mương, sông rạch, nước mặt quanh khu vực trồng gừng có nguy cơ nhiễm bệnh cao, đặt biệt là nơi có vườn nhiễm bệnh. Nước giếng khoan ít có nguy cơ nhiễm vi khuẩn hơn.

9) Luân canh và xen canh: Sau một vài vụ nên luân canh cây gừng với một số cây trồng khác không phải là ký chủ của vi khuẩn Ralstonia solanacerum race 4 như khoai lang, khoai môn. Không xen canh với một số cây họ cà Solanaceae, bao gồm cây cà chua, ớt, cà tím. Cũng có thể luân canh với cây bắp (ngô), lúa, cây đậu nành (đỗ tương), cây hành lá.

10) Diệt tuyến trùng và côn trùng gây vết thương: Chúng tấn công rễ, củ và gốc tạo vết thương mở đường cho vi khuẩn xâm nhiễm và gây bệnh. Thêm vào đó, việc phòng trừ giúp giảm thiệt hại do chính chúng gây ra.

11) Thu hoạch kịp thời: Tránh thu hoạch quá muộn sẽ giảm thiểu thời gian cây gừng tiếp xúc với nguồn bệnh. Những vườn chớm bệnh có thể thu hoạch sớm để giảm thiệt hại.
Tuy nhiên củ gừng từ vườn này có nguy cơ chứa nguồn bệnh cần được quản lý kỹ và không sử dụng để làm giống.

12) Trồng gừng trên sàn cao: Là một cách giảm nguy cơ bị lây nhiễm bệnh. Có thể dùng túi nhựa, sọt đan, thùng gỗ, thùng nhựa, bao cũ… để trồng. Đặt cây cao hơn mặt đất tối thiểu 60cm. Đất trộn, củ giống và nước tưới cần đảm bảo không có nguồn bệnh. Trồng trong nhà bạt (cho sản xuất gừng chất lượng cao) cũng là một lựa chọn khác.

ThS. Mai Văn Trị – Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam bộ . Viện Cây ăn quả miền Nam

chuse24h

Rate this post
- Advertisement -

More articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisement -

Latest article