Tại cụm thi Cao Đẳng Sư Phạm Gia Lai, đa số thí sinh đều cho rằng, đề thi không khó, bám sát chương trình sách giáo khoa, có thể dễ dàng được 5 điểm.
Hết 2/3 thời gian làm bài, rất nhiều thí sinh tại điểm thi Đại học Sư phạm Hà Nội đã nộp bài, rời phòng thi.
Nguyễn Khánh Chi – THCS Chu Văn An, Chư Sê – chia sẻ: “Đề thi khá dễ, gồm 4 câu, nội dung hoàn toàn nằm trong chương trình sách giáo khoa. Câu 1 lý thuyết, câu 2 được dùng Atlat địa lý để kể tên các tỉnh, câu 3 vẽ biểu đồ cây công nghiệp lâu năm và cây công nghiệp thường năm. Đặc biệt, câu số 4 là phần mở rộng, yêu cầu thí sinh cho biết vì sao khai thác công nghiệp biển đảo lại góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước”.
Trong câu này, Nguyễn Phương THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chư Sê cho rằng, kinh tế biển đảo góp phần quan trọng trong kinh tế đất nước, vì vậy phải giữ gìn và phát triển. Phương mang câu chuyện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế đất nước vào bài làm.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại Gia Lai, khi hết 2/3 giờ làm bài, nhiều thí sinh đã ra khỏi phòng thi. Ở một số hội đồng thi như Cao đẳng Sư Phạm, Đại Học Nông Lâm…, thời gian làm bài còn 30 phút, nhưng nhiều phòng thi đã không còn thí sinh.
Các sĩ tử cho biết, đề thi Địa lý năm nay dễ hơn năm ngoái, học sinh chỉ cần học lực trung bình cũng có thể làm hết bài. Nhiều thí sinh cũng cho biết, câu hỏi về bảo vệ chủ quyền biển đảo rất hay, đòi hỏi vận dụng hiểu biết xã hội.
Thí sinh Lê Thanh Hà (Pleiku) cho biết, rất thích câu hỏi về ý thức bảo về tài nguyên biển đảo. “Câu hỏi này cũng đã được thầy cô giáo ôn tập nhiều. Em làm được khoảng 8 điểm trở lên”, Hà nói.