Năm 1996, lấy cảm hứng từ một cuốn sách viết về Warren Buffett, Bill Gates đã có bài viết về tình bạn thân thiết giữa hai người và những điều ông học được từ huyền thoại đầu tư.
Không khó để trở thành fan hâm mộ của Warren, nhất là sau khi bạn đã đọc cuốn “Buffett: Sự hình thành của một nhà tư bản Mỹ”. Cuốn sách của tác giả Roger Lowenstein đã miêu tả chân thực cuộc đời của Buffett. Nó không thể truyền tải được hết sự hài hước, khiêm tốn và duyên dáng của Warren, nhưng nó đã cho người đọc thấy được sự độc đáo của ông.
Lowenstein kể lại những chi tiết thú vị trong tiểu sử của Warren từ khi ông sinh ra ở Omaha, Nebraska năm 1930, mua cổ phiếu lần đầu năm 11 tuổi, rồi học chứng khoán dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Benjamin Graham ở Đại học Columbia cho tới lúc ông thành lập Công ty Buffett Partnership ở tuổi 25.
Tác giả đã miêu tả ông luôn giữ bí mật về loại cổ phiếu mua cho công ty mình, nhưng ngược lại, vô cùng minh bạch trong nguyên tắc hướng dẫn, đó là mua cổ phiếu ở giá sàn và kiên trì giữ chúng. Như Warren đã giải thích trong thư gửi các đối tác của mình: “Đây chính là nền tảng trong triết lý đầu tư của chúng tôi, đừng bao giờ dựa dẫm vào việc bán cổ phiếu với giá cao. Hãy mua ở mức giá thấp để dù có bán ra ở mức trung bình thì bạn vẫn có khoản lợi nhuận hấp dẫn”.
Cuốn sách đã mô tả cách Warren điều hành Berkshire Hathaway và dùng lợi nhuận để mua cổ phiếu ở những công ty khác. Berkshire phát triển thành một công ty đa ngành và triết lý đầu tư của họ bắt đầu được cải tiến khi Buffett nhìn trước được tiềm năng của những thương hiệu độc đáo mà không nhất thiết phải dựa vào số liệu tài chính.
Độc giả sẽ học hỏi được nhiều kiến thức về đầu tư và kinh doanh sau khi đọc về Buffett, nhưng chưa chắc đã có thể vận dụng thành công những bài học đó. Tài năng của Warren nằm ở chỗ tư duy của ông luôn đi trước mọi người, và để làm được điều đó thì việc học thuộc cách ngôn của ông là chưa đủ.
Warren luôn làm theo nguyên tắc của mình: Khi đầu tư vào một công ty nào đó, ông luôn đọc hết báo cáo hàng năm, càng nhiều càng tốt. Ông nghiên cứu quá trình cũng như chiến lược phát triển của công ty. Ông xem xét kỹ lưỡng và hành động có chủ đích. Một khi đã quyết định mua công ty hay cổ phiếu của hãng nào đó, Warren rất hiếm khi phải bán đi.
Phong cách đầu tư dài hạn của ông được phản ánh qua câu nói: “Bạn nên đầu tư vào doanh nghiệp nào mà ngay cả một kẻ ngốc cũng có thể điều hành, bởi ngày nào đó, một kẻ ngốc sẽ leo lên vị trí đó”.
Ông không bao giờ cho rằng một công ty thành công là phải có toàn nhân viên xuất sắc. Ông cũng không tin rằng những người giỏi có thể thay đổi cả cục diện nếu như bản chất công việc kinh doanh đã tệ hại. Nếu đưa những cá nhân xuất sắc vào quản lý một công ty tồi tệ, thì danh tiếng sẽ là thứ duy nhất còn nguyên vẹn.
Ông tuyển dụng đội ngũ giám đốc có năng lực cho những công ty thuộc sở hữu của Berkshire và thường để cho họ tự quản lý. Yêu cầu cơ bản của Warren đối với họ là khi công ty làm ăn có lãi, họ phải tin tưởng rằng Warren sẽ dùng tiền của công ty để đầu tư một cách thông minh. Ông khuyến khích họ chỉ nên tập trung vào lĩnh vực mà họ giỏi, và để cho ông có thể tập trung vào lĩnh vực của mình: đầu tư.
Phản ứng của tôi khi gặp Warren đã khiến chính tôi cũng bất ngờ. Bất cứ khi nào người ta nói với tôi: “Hãy gặp người này người kia, ông ta là người thông minh nhất trên đời” hay “Ông phải gặp bạn của tôi, ông ấy rất giỏi trong việc này việc kia”, thì tôi lập tức đề phòng. Do đó, việc mọi người gọi Warren Buffett là “độc nhất vô nhị” không khiến tôi ấn tượng cho lắm.
Trên thực tế, tôi đã cảm thấy vô cùng hoài nghi khi mẹ tôi đề nghị tôi nghỉ làm một ngày để gặp Warren Buffett vào ngày 7/5/1991. Chúng tôi sẽ nói về cái gì đây? Tôi sẽ phải dành cả ngày trời để tiếp một gã chỉ chuyên đi mua cổ phiếu thôi ư? Tôi còn nhiều việc phải làm lắm? Mẹ có đùa con không vậy?
Nhưng khi tôi nói với mẹ rằng mình rất bận và không thể đi, bà đáp: “Kay Graham cũng sẽ tới”. Đó chính là điều khiến tôi chú ý. Tôi chưa từng gặp Graham, nhưng tôi rất ấn tượng với khả năng điều hành tờ WashingtonPost của bà cũng như tầm ảnh hưởng của tờ báo trong lịch sử chính trị. Kay và Warren là bạn tốt lâu năm và một trong những khoản đầu tư lớn nhất của Warren là cho tờ Washington Post.
Sáng hôm ấy, Kay, Warren và hai nhà báo tên tuổi khác cùng đi tới nhà của gia đình tôi ở ngoại ô Seattle. Warren và tôi bắt đầu nói về cách thức kinh doanh báo chí đã thay đổi như thế nào khi các hãng bán lẻ mua ít quảng cáo hơn. Sau đó, ông hỏi tôi về IBM: “Nếu cậu là người gây dựng IBM ngay từ đầu, bây giờ họ sẽ có gì khác? IBM sẽ tăng trưởng theo hướng nào?”.
Ông hỏi những câu hỏi hay và kể những câu chuyện bổ ích. Không có gì thu hút tôi hơn là việc được học hỏi, và tôi chưa từng gặp một ai có tư duy về kinh doanh rõ ràng như vậy. Ông giới thiệu cho tôi một bài tập phân tích mà ông làm: Ông sẽ chọn mốc một năm, ví dụ 1970 và nghiên cứu 10 công ty có vốn thị trường cao nhất rồi tiếp tục xem xét những công ty này vào năm 1990, xem tình hình kinh doanh tiến triển như thế nào. Tôi ở cùng ông cả ngày và thậm chí còn đồng ý sẽ bay tới Nebraska để cùng xem một trận bóng bầu dục.
Tiếp xúc với Warren, bạn có thể cảm nhận ông yêu công việc như thế nào. Điều này được thể hiện bằng nhiều cách. Khi muốn giải thích một vấn đề nào nó, ông sẽ chẳng bao giờ nói kiểu: “Này, tôi giỏi mấy khoản này lắm đấy. Tôi sẽ gây ấn tượng với anh”. Thay vào đó, ông sẽ nói: “Vấn đề này rất thú vị và đơn giản. Để tôi giải thích và anh sẽ thấy tôi thật kém thông minh khi phải mất chừng ấy thời gian mới hiểu được nó”. Và ông sẽ vận dụng óc hài hước của mình để khiến mọi thứ trở nên vô cùng dễ hiểu.
Warren làm việc với số má rất giỏi. Còn tôi cũng yêu thích toán học nữa. Nhưng giỏi số học không chắc đã giúp bạn thành nhà đầu tư giỏi. Warren không vượt trội so với các nhà đầu tư khác chỉ vì ông ấy làm toán giỏi hơn họ. Warren không bao giờ đầu tư nếu sự khác biệt giữa làm và không làm là quá nhỏ. Ông ấy sẽ chờ đến khi cơ hội thuộc hàng tốt hiếm gặp.
Warren và tôi có chung sở thích là phân tích những dữ liệu đã có theo một cách khác, mới lạ hơn nhưng rất rõ ràng. Chúng tôi rất thẳng thắn và không hề có thái độ thù địch. Lợi ích kinh doanh của chúng tôi không xâm phạm tới nhau nhiều. Warren không dính dáng tới các công ty công nghệ vì ông thích đầu tư vào những lĩnh vực mà ông có thể dự đoán cục diện trước cả thập kỷ. Không may cho Warren rằng công nghệ là không biên giới.
Một thói quen khác của Warren mà tôi ngưỡng mộ là ông rất giỏi nói “không”. Vì ông hiểu rõ mình muốn làm gì – và khi đã làm, ông làm cực kỳ tốt. Ông thích ngồi trong văn phòng của mình, đọc và suy ngẫm. Có vài thứ ông làm trái thói quen của mình, nhưng không nhiều. Một điều Lowenstein nói rất đúng về Warren là ông là người của thói quen. Ông lớn lên ở Omaha, và luôn muốn định cư ở Omaha. Ông có một mạng lưới quan hệ, và ông luôn muốn dành thời gian cho họ. Ông không phải là tuýp người muốn tìm kiếm cái mới. Ở tuổi 65, ông vẫn sống trong ngôi nhà mình mua năm 27 tuổi.
Ông cũng mang cả thói quen vào trong việc đầu tư. Warren gắn bó với những công ty mà ông cảm thấy thoải mái. Ông không đầu tư nhiều ở nước ngoài. Có một vài công ty ông quyết định sẽ đầu tư dài hạn, và sẽ không bao giờ bán cổ phiếu dù cái giá có là gì đi chăng nữa.
Warren và tôi cùng tôn vinh những giá trị nhất định. Chúng tôi đều cảm thấy may mắn khi sinh ra trong thời đại mà các kỹ năng của mình có thể được khai thác triệt để. Nếu ở thời đại khác, chưa chắc kỹ năng của chúng tôi đã mang lại nhiều giá trị như thế. Chúng tôi không có ý định tiêu nhiều tiền và muốn đem tài sản của mình phục vụ cho xã hội. Có thể hiểu là cả hai chúng tôi đều kiếm tiền để làm từ thiện. Con cái sẽ chỉ nhận được một phần tài sản nhỏ thôi, bởi chúng tôi đều tin rằng để lại gia sản lớn cho con cái sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp cho chúng, cũng như cho xã hội.