Theo báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, công nghệ tưới tiết kiệm bắt đầu được người dân Tây Nguyên quan tâm, ứng dụng từ năm 2000 và đang có xu hướng ngày càng phát triển.
Tại Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có trên 39.000ha gieo trồng được áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, chiếm khoảng 12%%, trong đó tưới cho cây rau, hoa là hơn 15.000ha. Các công nghệ tưới chủ yếu là nhỏ giọt và tưới phun mưa.
Năm 2009, lần đầu tiên mô hình trồng tiêu sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước được áp dụng tại Gia Lai do một số hộ dân ở thị trấn Chư Sê thực hiện. Công nghệ do Netafim cung cấp, xuất xứ từ Israel. Bên cạnh hệ thống tưới, người dân còn thiết kế, lắp đặt các thiết bị tưới có nguồn gốc Đài Loan (Trung Quốc), một số chi tiết được tận dụng từ nguồn thiết bị sản xuất trong nước.
Tại Đăk Lăk, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã được thực hiện trên cây cà phê, hồ tiêu, vải ở địa bàn các huyện Cư Kuin, Cư M’gar và Krông Pắk. Mỗi mô hình có quy mô khoảng 1ha, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh lựa chọn đầu tư với sự hợp tác của các hộ dân.
Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Nông cũng triển khai thí điểm mô hình tưới nhỏ giọt cho cây hồ tiêu (quy mô 1ha) và cây bưởi da xanh (quy mô 2ha) tại phường Nghĩa Phú (thị trấn Gia Nghĩa) và xã Nâm N’Jang (huyện Đắk Song).
Giải pháp này đã được chứng minh mang lại hiệu quả cao về sử dụng nước tưới, phân bón, nhân công cũng như những hiệu quả về bảo vệ môi trường. Sau khi nghiên cứu, các hộ dân xung quanh khu vực mô hình đã tự động áp dụng công nghệ vào vườn của mình với tổng diện tích khoảng 15ha.
Dự án “Sản xuất nhiều cà phê hơn với ít nước tưới hơn – hướng tới giảm lượng nước tưới trong sản xuất cà phê” do Tập đoàn Nestle toàn cầu và Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sĩ tài trợ cũng được triển khai trên địa bàn huyện Đắk Hà (Kon Tum).
Thực hiện dự án, từ năm 2015 – 2017, 7.000 nông dân trồng cà phê trên địa bàn huyện Đắk Hà được tập huấn về phương pháp tưới nước tiết kiệm kết hợp thực hành nông nghiệp tốt, hướng tới sản xuất cà phê bền vững, thân thiện với môi trường. Phương pháp tưới nhỏ giọt được sử dụng trong dự án sẽ giúp nông dân giảm nước tưới từ 700 lít/gốc xuống còn 400 lít.
Qua thực tiễn triển khai, các kỹ thuật tưới tiên tiến ở Tây Nguyên đã thể hiện được ưu điểm vượt trội. Với kỹ thuật tưới nhỏ giọt, nông dân có thể tiết kiệm 30 – 50% lượng nước tưới so với tưới phun mưa và tưới dí; nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón do phân được mang đến vùng rễ hút của cây; chi phí vận hành thấp do lưu lượng nước thấp, không đòi hỏi áp suất cao nên chi phí nhiên liệu thấp, ít công vận hành do hệ thống đường ống lắp đặt cố định; hạn chế sâu bệnh và cỏ dại.