35.2 C
Chư Sê
Chủ Nhật, Tháng Tư 14, 2024

Đau đầu vì rệp sáp hại cà phê

Must read

Rệp sáp hại cây cà phê đang lây lan trên diện rộng ở tỉnh Gia Lai khiến nhiều hộ dân đau đầu.

Rệp sáp gây hại trên cây cà phê khiến nhiều hộ dân đau đầu. Ảnh: Tuấn Anh.

Rệp sáp gây hại trên cây cà phê khiến nhiều hộ dân đau đầu. Ảnh: Tuấn Anh.

Toàn tỉnh Gia Lai có hơn 100.600ha cà phê, chủ yếu là giống Robusta. Thời điểm này, cà phê đang trong giai đoạn chăm sóc quả non. Qua theo dõi, tổng hợp báo cáo của các địa phương, hiện nay rệp sáp gây hại cây cà phê có xu hướng gia tăng.

Tính đến đầu tháng 4/2024, diện tích cà phê nhiễm rệp sáp hơn 2.600ha. Trong đó, cà phê nhiễm rệp sáp nhẹ khoảng hơn 2.480ha, trung bình hơn 120ha, phân bố tập trung ở huyện Chư Prông 1.500ha, Mang Yang hơn 510ha, Chư sê hơn 220ha…

Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, thời gian tới, tỉnh Gia Lai nắng nóng kéo dài và có xuất hiện các đợt mưa trái mùa, đây là điều kiện thuận lợi cho rệp sáp hại cành, quả cà phê phát sinh, gây hại trên diện rộng.

Rệp sáp thường xuất hiện vào thời điểm cây cà phê đang nở hoa cho đến hết mùa vụ thu hoạch, trong đó giai đoạn rệp sáp gây hại mạnh nhất là vào mùa khô và đầu mùa mưa. Rệp sáp thường bám vào chồi non, cành lá, chùm quả, thân rễ để hút nhựa cây làm khô héo, rụng bông và quả non.

Rệp sáp thường tấn công chùm hoa, quả non. Ảnh: Tuấn Anh.

Rệp sáp thường tấn công chùm hoa, quả non. Ảnh: Tuấn Anh.

Ghi nhận thực tế tại huyện Chư Păh, rệp sáp đang “bủa vây” các vườn cà phê khiếu nhiều hộ dân đau đầu. Bà Nguyễn Thị Liễu (làng Kép, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) đang loay hoay tìm cách đối phó với rệp sáp ngày càng lan rộng trên vườn cà phê 2,5ha của gia đình.

Dạo quanh vườn cà phê, bà Liễu cho biết, trời nắng nóng khiến cây cà phê nào cũng bị rệp sáp, những đốm trắng len lỏi vào khắp các chùm hoa, quả non rất nguy hiểm. Nếu không xử lý sớm, rệp sáp sẽ chích hút làm cây cà phê bị khô héo, không thể phát triển.

“Mấy ngày nay, gia đình tôi chỉ biết phun nước rửa sạch những chùm hoa dính rệp sáp, sau đó phun thuốc điều trị nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm được”, bà Liễu cho biết.

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ – Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) cho biết, HTX hiện có hơn 400ha cà phê, phần lớn bị nhiễm rệp sáp. Thời tiết nắng nóng là nguyên nhân chính khiến rệp sáp sinh sôi, nảy nở.

“Quan ngại nhất bởi đây là thời điểm cà phê đang bước vào giai đoạn đậu trái, việc dính phải rệp sáp sẽ làm cây kém phát triển. Trong khi rệp sáp chưa có loại thuốc đặc trị nên người dân chủ yếu dùng nước phun rửa sạch rệp sáp bám vào cây”, ông Thanh chia sẻ.

Tương tự, tại huyện Đăk Đoa, nắng nóng kéo dài vào ban ngày, còn đêm lại se lạnh đã tạo môi trường thuận lợi cho rệp sáp phát sinh gây hại chùm hoa, quả cà phê. Có gần 1ha cà phê đang bước vào giai đoạn đậu quả, bà Trần Thị Ái Vân (thôn 76, xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa) ngao ngán nhìn vườn cà phê úa vàng do bị rệp sáp tấn công.

“Nắng nóng kéo dài từ Tết Nguyên đán đến nay khiến vườn cà phê của gia đình bị rệp sáp hoành hành, cành lá héo khô. Gia đình đã dùng mọi biện pháp khắc phục, đồng thời ngăn chặn rệp sáp lây lan ra cả vườn nhưng vẫn chưa có hiệu quả”, bà Vân cho biết.

Rệp sáp tấn công khiến cây cà phê khô héo. Ảnh: Tuấn Anh.

Rệp sáp tấn công khiến cây cà phê khô héo. Ảnh: Tuấn Anh.

Để kịp thời phòng chống rệp sáp gây hại cà phê có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, nông lâm trường trồng cà phê hướng dẫn người sản xuất thực hiện một số giải pháp như thường xuyên vệ sinh vườn cây bằng cách cắt tỉa cành bị sâu bệnh, chồi vượt, cành sát mặt đất… Qua đó, giúp vườn cà phê vừa thông thoáng, vừa giảm tiêu hao dinh dưỡng, hạn chế sự phát sinh lây lan của rệp sáp.

Mặt khác, thường xuyên thăm vườn cà phê để phát hiện sự xuất hiện, mật độ của rệp sáp, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp. Đối với trường hợp rệp mới xuất hiện gây hại cục bộ, cần đánh dấu cây để phun trực tiếp vào các cây, cành bị nhiễm để đỡ lãng phí công sức, hạn chế ô nhiễm môi trường. Đối với vườn cà phê có mật độ rệp sáp cao, có nguy cơ lan rộng mới cần phun toàn bộ diện tích bị nhiễm. Khi tưới nước có thể kết hợp dùng vòi nước với áp suất cao xịt mạnh vào cành, chùm hoa, chùm quả có rệp sáp để làm rụng cánh hoa khô và vỡ lớp sáp, sau đó phun thuốc sẽ hiệu quả hơn.

Trước nguy cơ rệp sáp lây lan trên diện rộng, ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai đã đề nghị trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai khuyến cáo: Các địa phương cần tăng cường công tác điều tra, phát hiện, nắm bắt diễn biến phát sinh, phát triển của rệp sáp hại chùm hoa, quả cà phê. Kịp thời hướng dẫn người sản xuất áp dùng các biện pháp phòng trừ cụ thể, phù hợp với sinh thái và mật độ gây hại của từng vườn, từng khu vực. 

Rate this post

More articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Latest article