Qua việc khôi phục vườn tiêu già cỗi chư sê 24h sẻ chia sẻ kỹ thuật khôi phục vườn hồ tiêu suy yếu già cỗi cho ba còn có thể canh tác.
Trồng hồ tiêu không phải ai cũng bắt đầu bằng mô hình thâm canh bài bản. Với những vườn hồ tiêu thâm canh xanh tốt, áp dụng đúng kỹ thuật, hàng lối thẳng tắp đập vào mắt ai mà chẳng thích. Chỉ cần nhìn thấy vườn hồ tiêu như vậy thì trong lòng ai cũng rạo rực. Ước gì mình cũng có vườn hồ tiêu như vậy.
Do trước đây xen canh với cà phê hay cây công nghiệp khác, không áp dụng khoa học kỹ thuật gì, chỉ trồng theo cảm tính nên những bụi tiêu lên lèo tèo, già cỗi, nhìn thấy mà chạnh lòng. Sự phấn đấu nỗ lực bao giờ cũng được đền đáp xứng đáng.
Để cải thiện vườn hồ tiêu dần, tôi xin chia sẻ một vài thủ thuật nhỏ để bà con khôi phục vườn tiêu già cỗi như sau:
Trước tiên ta phải phân biệt được cây suy yếu là do bệnh tật, già cỗi hay do chế độ chăm sóc. Những bụi tiêu quá xấu, nhắm không cách gì khôi phục được, thì phải ưu tiên việc nhổ bỏ trồng mới.
Việc trồng mới trên vùng đất cũ cũng khá khó khăn. Do đất bạc màu, hoặc đất đã chai cứng, khó rút nước, không còn độ tơi xốp,… Ta cần phải khôi phục lại độ phì cho đất.
Giống như trong câu chuyện cổ tích bác thợ giày và những chú lùn. Chỉ qua một đêm, những chiếc giày xinh xắn, bóng loáng đã được hoàn thành nhờ những chú lùn giúp đỡ. Việc cải tạo đất cũng vậy, rất cần nhờ những vi sinh vật, mau chóng phục hồi độ phì nhiêu để đất trở lại bền vững. Vi sinh vật hoạt động mạnh chỉ khi ta tích cực bón các loại phân hữu cơ, xác bã thực vật, làm cho đất thông thoáng tơi xốp dần lên.
Khi trồng lại trên vùng đất đã trồng hồ tiêu cũ bà con cần nhổ bỏ, thu dọn sạch sẽ những gốc rễ cũ. Đào hố kỹ càng, càng sâu càng rộng càng tốt. Thường thì gốc nằm bên này thì nên trồng cây mới ở phía bên kia. Nếu có điều kiện nên phơi đất một thời gian cho đất nghỉ ngơi thì càng tốt. Trồng ngay phải xử lý triệt để nấm bệnh tồn dư trong đất trước. Sau đó yêu cầu cần thiết là phải có phân chuồng hoai mục ủ Trichoderma. Hố trồng tiêu nên để lớp đất mặt (đất màu mỡ) xuống phía dưới hố, còn đất chai sạn ở bên trên.
Làm hệ thống rút nước tốt để cây có thể phát triển mạnh mà ít bệnh tật.
Yêu cầu tiếp theo của kỹ thuật khôi phục vườn hồ tiêu suy yếu già cỗi là: Cần phải có vườn ươm thật tốt. Vào đầu mùa mưa nếu ươm trước đó thì đem ra trồng là chuyện quá đơn giản. Nhưng trường hợp không ươm kịp gần hết mùa mưa mới có giống thì vẫn có cách khác bà con đừng quá lo lắng. Cứ ươm trong vườn ươm bình thường. Bầu vô đất là bầu lớn dùng những bầu đất như của ươm sầu riêng hay cây ăn trái. Giá thể của bầu đất chỉ đơn giản là 1 phần tro mía hay tro trấu màu đen, không dùng tro màu trắng xám, 2 phần đất mặt. Trộn thêm 1 phần phần chuồng hoai mục ủ Trichoderma hoặc xơ dừa. Mục đích là ta trồng tiêu qua mùa khô. Sau đó tới mùa mưa trồng xuống là đôn luôn. Do trồng chăm sóc tại vườn ươm cho lên trụ giả như bầu bí thì nó rất mau ra ác. Hiện nay trên thị trường có bán lưới lagim mua về áp dụng cho phương pháp ươm giống qua mùa khô này rất hiệu nghiệm. Thay vì chăm sóc ngoài vườn vất vả thì ta làm vườn ươm thật tốt dễ chăm sóc hơn.
Công cuộc khôi phục vườn hồ tiêu già cỗi là một cuộc chiến trường kỳ không phải một sớm một chiều.
Nhà tôi trồng hồ tiêu xen cà phê. Khi cà phê già cỗi thì những cây hồ tiêu trồng cùng thời gian đó cũng trong tình trạng tương đương. Một số ít tiêu trồng sau do cà phê quá rợp, những cây trồng lúc chưa có kỹ thuật gì, không biết đôn tiêu, những cây đó vẫn còn non nhưng trong tình trạng ở truồng. Hay những cây trồng mà không biết bấm đọt cho ra nhiều đọt ác, chỉ có một hoặc hai dây từ gốc lên ngọn lèo tèo nhìn rất sầu thảm…
Để khôi phục những cây tiêu già cỗi, tôi áp dụng như sau:
Với những cây chỉ suy yếu, tích cực dùng phân sinh học hồi phục rễ, sau đó dùng phân hữu cơ hoai mục với liều lượng lớn hơn bình thường rất nhiều để cho cây hồi phục. Khi cây đã sung sức thì nó sẽ ra rất nhiều lươn gốc hoặc ác gốc. Tôi bắt ngược một số cho leo lên cây. Thường xuyên bấm đọt lươn cho nứt ác hoặc bấm đọt ác cho nứt nhiều đọt ác hơn. Một số khác tôi làm rãnh nhỏ (tránh phạm rễ cây mẹ) để nó xuống bò ra ngoài tầm 0,5 m rồi cho leo lên một trụ giả. Lưu ý không lấp đất lên dây lươn khi dây lươn chưa đủ già. Tưới tắm bình thường. Sau một thời gian dây lươn đó sẽ nứt rễ bám chặt vào đất. Khi đó ta mới lấy đất lấp lên phần dây lươn nằm dưới đất. Để tầm một vài tháng. Cuối cùng mới cắt hoàn toàn cái phần đọt leo lên trụ giả. Phần thân lấp dưới đất không còn nuôi đọt lươn sẽ trở lại nuôi cây mẹ. Phần dây lươn hoặc ác gốc được bấm đọt thường xuyên sẽ leo lên tạo tán cho trụ. Đây là phương pháp hỗ sinh. Sau một thời gian cây chính sẽ phát triển mạnh thấy rõ. Có thể áp dụng cho tiêu ở truồng và tiêu lèo tèo, tiêu suy.
Trường hợp ta chăm sóc dùng phân sinh học, phân vi sinh, phân chuồng hoai mục… đủ thứ mà cây chẳng ra lươn hay ác gì cả vì quá già hay vì nguyên nhân nào đó không xác định được. Cây vẫn sống, phần cây cũ vẫn ra hoa kết trái bình thường, không sinh trưởng mà chỉ sinh thực. Như vậy phương pháp hỗ sinh trở nên vô tác dụng. Nhổ bỏ thì tiếc mà không nhổ bỏ thì nó lèo tèo. Bà con không nên lo lắng vấn đề trên. Tôi đã yêu cầu có một vườn ươm thật tốt là có đất dụng võ đấy!
Có 2 cách để thực hiện như sau:
1. Chăm sóc trực tiếp trong vườn. Ươm bầu bình thường sau đó đầu mùa mưa xử lý đất, trồng lên trụ giả. Trụ giả trồng phía đối diện với gốc hồ tiêu già cỗi. Cách xa gốc hồ tiêu già cỗi ra. Cho nó leo lên trụ giả cho nó ra ác. Chăm sóc như chăm sóc tiêu con bình thường. Sau đó đôn, tiếp tục cho nó leo lên trụ giả. Tiếp đến chỉ việc ngã cái trụ giả đó bắc cầu cho nó leo lên cây mẹ. Chăm sóc, bấm đọt bình thường y như là chăm sóc tiêu con. Cái phần tiêu con đó sẽ leo lên hỗ trợ phần thiếu sót cho cây suy yếu. Nếu như chịu chơi thì nhổ luôn cây mẹ thì đã có một cây tiêu tơ năm 1. Còn không thì cây con đó chỉ là cây hỗ trợ cho cây suy yếu.
2. Chăm sóc trong vườn ươm. Ươm trong bầu lớn. Khi cây đã khỏe mạnh thì đưa ra khỏi vườn ươm. Đánh rãnh đất bề rộng tầm 30 cm sâu chừng 20 cm. Nếu sâu hơn rộng hơn càng tốt. Lót bao nằm ngang phía dưới. Sau đó trộn phân chuồng hoai mục đất và xơ dừa đổ lên rãnh đó. Cắt bầu đất để lên trên rãnh. 2 đầu rãnh cắm 2 trụ thật chắc mắc kẽm để kéo lưới lagim cho tiêu leo. Cho tiêu leo lên như ta trồng đậu đũa hay dưa leo. Ưu thế của phương pháp này là có thể trồng bất cứ khi nào. Vì việc chăm sóc trở lên quá đơn giản. Khi cây ra ác ta nhấc cả cái bao lên, bao gồm cả đất và rễ. Cuối cùng trồng đôn lên cây mẹ bình thường như chăm sóc trực tiếp trong vườn. Hoặc có thể trồng lên trụ mới sẽ có ngay 1 cây tiêu đôn 1 năm tuổi. Phương pháp này cũng trồng tiêu nhanh hệt như trồngtiêu chiết vậy.
Với 2 cách làm trên bà con có thể khôi phục vườn hồ tiêu nhà mình một cách từ từ. Không cần phải nhổ bỏ ngay cái cây mẹ suy yếu. Áp dụng kỹ thuật khôi phục vườn tiêu già cỗi thì vườn hồ tiêu nhà mình sẽ luôn luôn và mãi mãi là vườn hồ tiêu tơ.
Ngoài ra, có một số cây hồ tiêu rất sum suê nhưng chẳng bao giờ cho ra trái thường là do trồng trúng những cây lên từ hạt, năng suất thấp. Hoặc do mua phải giống hồ tiêu kém chất lượng, giống không rõ nguồn gốc. Ta có thể tiến hành cải tạo như sau:
Chặt gần sát gốc để cho nứt lươn hay ác lên lại. Sau đó tiến hành ghép nêm hoặc ghép áp (kỹ thuật ghép cây đã quá quen thuộc).
Kỹ thuật này kết hợp với một vài kỹ thuật tôi đã chia sẻ trên diễn đàn có lẽ sẽ giúp ích được cho nhiều bà con đấy.
Tôi mong những chia sẻ của mình sẽ góp phần nhỏ bé giúp cho ngành hồ tiêu Việt Nam vươn lên tầm cao mới. Chúc mọi người thành công với cây hồ tiêu.