Thứ năm, Tháng mười 31, 2024
25.2 C
Chư Sê

Kỹ thuật làm bông cho cây hồ tiêu (P2)

Việc phân hóa mầm hoa chỉ là một bắt đầu nhỏ cho hành trình dài trong kỹ thuật làm bông của cây hồ tiêu.

Kỹ thuật làm bông cho cây hồ tiêu (P2)
Kỹ thuật làm bông cho cây hồ tiêu (P2)

Xin mời bà con xem tiếp phần 2 :

2. Bón phân trong quá trình làm bông

Bón phân cân đối đúng liều lượng để cây cho năng suất cao là cả một chủ đề.

Nước là cốt lõi trong việc phân hóa mầm hoa thì phân chính là chìa khóa để đánh thức những mầm hoa đang ngủ yên đó. Trong quá trình tiêu làm bông nếu không cung cấp đủ chất dinh dưỡng thì cây sẽ tiếp tục ra lá. Vào giai đoạn này cây cần lượng phân rất lớn, bao gồm tất cả các yếu tố đa, trung, vi lượng và xác bã hữu cơ.

Bà con có thói quen là tưới và xịt phân bón lá, bón phân (phân lân) luôn sau khi hãm nước. Cây nhú mắt cua ra lá non bà con bỏ phân NPK 16-16-8+TE một lần với hàm lượng rất lớn, sau đó xịt phân bón lá thế là xong, gần như hầu hết bà con đều làm vậy. Lúc này bộ rễ chưa hấp thu được nên rất lãng phí. Trước đây tôi cũng hay làm vậy.Nhưng hiệu quả hấp thu phân bón của cây không cao.

Tôi xin chia sẻ với bà con kỹ thuật bón phân của nhà mình sau nhiều năm làm thấy hiệu quả cao như sau:

Chia phân ra nhiều lần mà bón. Tuy rất cực, nhưng bà con phải chịu khó trong giai đoạn này. Sai một ly đi một dặm là đây. Trên thị trường có rất nhiều chủng loại phân bón. Nên chọn loại có thương hiệu uy tín được nhiều người sử dụng thấy có hiệu quả.

Sau khi tưới ướt dẫm như mưa cho cây hồi phục sức khỏe. Bên trên tán lá tôi xịt phân bón lá thì bên dưới 1 tuần sau đó tôi sẽ dùng phân hữu cơ Amino (dạng phân nước đổ gốc) cho cây hồi phục rễ có kết hợp thuốc trị tuyến trùng, rệp sáp (dùng các chế phẩm Metharizum,… sinh học rất hiệu quả), nhà tôi hay sử dụng loại nấm này. Lưu ý đọc kỹ hướng dẫn và xem kỹ thành phần của phân Amino có kết hợp được với thuốc trị tuyến trùng, rệp sáp bạn đang dùng không.

Tuần tiếp theo tôi xịt phân bón lá có kết hợp thuốc ngăn ngừa rầy nâu, bọ trĩ, bọ cánh cứng cắn chích hút hoa và lá non. Các chế phẩm sinh học anh tieuphong giới thiệu rất hiệu quả (xem ở đây). Bà con cũng cần lưu ý cách kết hợp. Có nhiều chế phẩm đã pha sẵn cho ta, mà ta không biết còn pha thêm không đúng cách, sẽ làm cây bị tổn thương, rụng lá, có khi chết luôn cây. Rất nguy hiểm.

Tuần tiếp theo nữa, khi cây đã nhú mắt cua và lá non tôi dùng phân hữu cơ sinh học NPK+TE chuyên dùng cho hồ tiêu. Lần này là lần làm bông chính, cây cần rất nhiều dinh dưỡng bao gồm các yếu tố đa, trung, vi lượng. Nhớ bón ngoài tán lá cây tránh không được phạm rễ. Nên bón vào sáng sớm hoặc chiều mát thì hiệu quả hấp thu sẽ cao hơn. Chỉ cần dùng tay rải đều một lớp mỏng vừa phải bên ngoài tán lá, cây to tán to thì bón nhiều, cây nhỏ tán nhỏ bón ít. Thường thì bón cách gốc từ 40-60cm tùy cây. Khá đơn giản phải không nào. Đừng quá quan tâm lượng phân bón mấy lạng mấy lạng như bao bì thường ghi. Và cũng không e ngại chuyện bón nhiều lần tốn công.

Cuối cùng sau đó 2 tuần bạn bỏ phân chuồng, phân hữu cơ hoai mục có ủ chung với nấm Trichoderma, bổ sung lượng xác bã hữu cơ cho cây trồng chống suy cây. Lần bón phân này rất quan trọng, bảo đảm dinh dưỡng cân đối, chống suy cây trong năm cho hồ tiêu. Lần này bà con có thể bỏ thêm vôi cho đất. Ngoài ra bà con mua phân hữu cơ vi sinh khoáng đậm đặc bỏ cho hồ tiêu. Nếu tìm không thấy thì mình có thể mua phân khoáng và tự ủ phân vi sinh để bỏ cho tiêu.

Bà con lưu ý một vài điểm nhỏ nhưng rất quan trọng trong kỹ thuật làm bông như sau:

Khi bông đang nở, tuyệt đối không được xịt phân bón lá. Như vậy sẽ làm cho bông trổ bị thưa, bồ cào. Mặc dù có nhiều sản phẩm phân bón lá có ghi rõ là có thể xịt lúc trổ bông. Bà con làm như phần trên tôi hướng dẫn thì cây đã đầy đủ bao dinh dưỡng và cả yếu tố phòng dịch bệnh sâu hại tấn công rồi.

Trái với suy nghĩ của nhiều người là thời tiết khô ráo nắng nóng thì cây sẽ đậu bông tốt hơn. Đó là suy nghĩ sai lầm. Khi tiêu đang trổ bông cần làm cho độ ẩm không khí của vườn tăng lên bằng cách tưới gốc hoặc có thể dùng máy xịt vào không khí xung quanh cây tiêu. Tuyệt đối không xịt lên bông nhé. Vì đa phần hoa hồ tiêu là hoa lưỡng tính, chỉ có một số ít là hoa đơn tính. Hoa đơn tính nó sẽ tự rụng. Những giống tiêu có hoa đơn tính nhiều là do di truyền từ tổ tiên và một số cây tiêu hạt lại tổ… Khả năng đậu hạt của loại này rất thấp. Khi độ ẩm trong không khí tăng cao thì các đầu nhụy của hoa lưỡng tính cương lên dễ bám dính các hạt phấn, làm tăng khả năng thụ phấn. Vì vậy khi tiêu đang trổ bông 3 ngày bà con nên xịt hoặc tưới nước một lần. Thời gian trổ bông của hồ tiêu kéo dài từ 10-20 ngày. Đó chính là lý do tại sao những cây hồ tiêu trổ bông muộn như tiêu Sẻ, Sẻ Mỡ hay tiêu trổ đợt 2 thì hạt sẽ to và đều hạt hơn. Những giống trổ sớm như Ấn Độ thì hay bị bồ cào. Bà con nào trồng tiêu Ấn Độ đọc được những chia sẻ này sẽ biết cách làm cho tiêu năng suất và ít bị bồ cào hơn. Với giống tiêu Ấn Độ bà con phải nâng nhu cầu xác bả hữu cơ tăng lên 150% so với bình thường thì năng suất sẽ rất cao và ổn định mà không phải quan tâm nhiều tới việc phân hóa mầm hoa, vì nó rất nhiều hoa. Làm bông là cuộc chiến trường kỳ cho tới khi cây vào hạt. Nếu thiếu dinh dưỡng thì cây sẽ bị rụng trái non, thối trái non.

Xịt bón lá theo từng thời kỳ phát triển của hồ tiêu như sau: Khi đang nuôi hoa và lá non, xịt phân bón lá có hàm lượng N cao sau đó giảm dần. Khi vào hạt, nên kiếm loại phân bón lá nào có hàm lượng N ít, chủ yếu là P và K +TE để tránh không cho tiêu ra lá non. Đặc tính của cây hồ tiêu là khi đã ra lá non thì dù ít hay nhiều sẽ ra hoa. Mà những hoa ra trái vụ đó sẽ làm giảm năng suất cho vụ tiếp theo, thậm chí sẽ có một mùa mất trắng.

Khi chuẩn bị thu hoạch, nên bón phân Amino đổ gốc để to hạt chắc trái chống suy cây. Vì giai đoạn này bộ rễ đã hoạt động yếu, chỉ có phân dạng Amino thì cây trồng mới dễ hấp thu. Cây không suy thì mới cho năng suất cao và ổn định được. Rất quan trọng đấy.

Sau đó bà con bắt đầu lại chu trình chăm sóc. Năm trúng năm thất chỉ là cách nói của những ai chưa hiểu rõ đặc tính cây hồ tiêu thôi.

Trong quá trình chăm sóc, bà con hãy quan sát lá tiêu. Cây nhiễm bệnh gì, hay cần nhu cầu dinh dưỡng gì thì đều biểu hiện qua lá. Thiếu phân thì lá sẽ nhỏ lại. Thiếu vi lượng thì lá non nhỏ lại có màu trắng. Hay những biểu hiện bệnh thán thư, địa y, chết nhanh, chết chậm… thì lá cây sẽ biểu hiện đầu tiên. Bà con có kinh nghiệm thì sẽ kịp thời phòng bệnh hay bổ sung nhu cầu dinh dưỡng cho cây một cách hợp lý nhất. (Tôi sẽ có bài viết về biểu hiện bệnh, cách chăm sóc hồ tiêu biểu hiện qua lá sau).

Bà con ai cũng biết là hồ tiêu là cây trồng rất mẫn cảm với bệnh dịch. Chăn nuôi gia cầm 1-2 ngàn con/lứa thì tổn thất, suy yếu 10-20 con là điều không thể tránh khỏi. Trồng hồ tiêu cũng vậy. Cây nào yếu mà chết là chuyện bình thường. Bà con phòng ngừa bệnh tật, ngăn chặn ổ dịch sau đó xử lý đất trồng mới lại.

Với những điều tâm huyết chia sẻ trên đây, tôi mong là bà con sẽ luôn được mùa. Tất cả chúng ta sẽ thành công với cây hồ tiêu.

Chúc bà con sức khỏe!

>> Phần 1:Kỹ thuật làm bông cho cây hồ tiêu (P1)

chuse24h

Đọc nhiều

CEO 'vua tôm' Minh Phú: Thuyết phục người Việt ăn tôm sạch nhưng bất thành 11

CEO 'vua tôm' Minh Phú: Thuyết phục người Việt...

Chủ tịch Thế Giới Di Động xin lỗi cổ đông, đặt mục tiêu lãi 2.400 tỷ đồng

Tại Đại hội đồng cổ đông thương niên năm...

Phiên bản quân sự của xe điện Cybertruck, chống được đạn súng máy

Unplugged Performance, công ty chuyên nâng cấp xe Tesla, vừa...

Tin đồn mới về thông số camera của iPhone 16 Series: có thêm định dạng JPEG-XL

Tin đồn về iPhone 16 Series càng ngày càng nhiều và...

AMD Ryzen 9000X3D sẽ “hạ cánh” tại triển lãm CES 2025?

Những lựa chọn vi xử lý Ryzen 9000 Series trang bị công...

Related Articles

Popular Categories

spot_imgspot_img
MessengerEmail