34.4 C
Chư Sê
Thứ Tư, Tháng Năm 15, 2024

Ông Siu Yát nặng lòng với cồng chiêng

Must read

(Chuse24h)- Nhiều chục năm qua, các làng dân tộc thiểu số ở xã Ia Băng (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vắng bóng cồng chiêng vì nhiều lý do. Vậy nên việc ông Siu Yát (làng Bông La) bỏ ra 70 triệu đồng để mua chiêng là sự lạ với nhiều người.

Vui đón chiêng mới

Bộ chiêng được ông Siu Yát mua của một gia đình Jrai ở làng Ka (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) vào năm 2023. Ông Yát kể, mấy năm trước, ông đi dự lễ pơ thi một người họ hàng ở làng Ka và tham gia đánh chiêng quanh nhà mồ tiễn đưa người chết. Tiếng chiêng trầm bổng từ bộ chiêng đúc truyền thống khiến ông càng đánh càng mê.

“Về làng, mình cứ nhớ mãi tiếng chiêng trong lễ pơ thi đó. Mấy lần mình hỏi mua nhưng chủ chiêng không bán. Năm ngoái, chủ chiêng già yếu về với Yàng nên con cháu mới đồng ý bán lại. Bộ chiêng có giá bằng mua 1 chiếc xe công nông”-ông Yát chia sẻ.

Trưởng thôn Rơh Lan Lang (bìa phải) và ông Siu Yát (bìa trái) kiểm tra bộ chiêng chuẩn bị cho các sự kiện văn hóa sắp tới. Ảnh: M.C

Trưởng thôn Rơh Lan Lang (bìa phải) và ông Siu Yát (bìa trái) kiểm tra bộ chiêng chuẩn bị cho các sự kiện văn hóa sắp tới. Ảnh: M.C

Đi cùng với bộ chiêng là 1 chiếc trống da trâu. Mặc dù một mặt trống đã bị thủng nhưng vẫn còn sử dụng được. Ông Yát cho biết thêm: “Trước kia, làng có người biết làm trống da trâu, da bò, nhưng sau về với Yàng hết rồi. Mình đang tìm người ở làng khác nhờ vá mặt trống. Trống này tuy cũ nhưng âm thanh phù hợp khi hòa điệu với tiếng chinh, chiêng truyền thống. Các loại trống mới bây giờ hiếm có loại âm trầm mà vẫn ngân vang như vậy”.

Ngày ông Yát “rước chiêng” về nhà có đủ hội đồng già làng, trưởng thôn, cán bộ văn hóa-xã hội của xã cùng những nghệ nhân giỏi nhất làng Bông La. Ông Rơh Lan Lang-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn là một trong những thành viên trong lễ đón chiêng.

Ông Lang kể: “Các nghệ nhân làng Bông La sau khi đánh một lượt để kiểm tra mới làm lễ đón chiêng về. Chủ mới của chiêng làm 1 con heo cúng Yàng. Sau đó, người già, người trẻ đánh chiêng tại nhà Siu Yát suốt 1 ngày 1 đêm”.

Ông Lang cho biết thêm, bộ chiêng đúc truyền thống này rất quý gồm 17 chiếc có núm (chiêng) và 11 chiếc chiêng bằng (chinh). Và chỉ những nghệ nhân giỏi mới đánh được chiêng bằng vì là hệ thang âm cổ rất khó chơi.

Cồng chiêng hồi sinh

Việc ông Siu Yát bỏ số tiền bằng mua 5-6 con bò để tậu chiêng là sự lạ đối với người dân trong làng và các làng lân cận. Theo Trưởng thôn Rơh Lan Lang, xã Ia Băng có 4 thôn và 7 làng dân tộc thiểu số. Đa số người dân ở các làng theo đạo, không tổ chức lễ hội truyền thống nên cồng chiêng không còn không gian diễn tấu.

Nhiều gia đình để cồng chiêng trên chòi rẫy, không trông coi, hầu hết bị mất trộm. Gia đình ông Siu Yát cũng từng bị kẻ gian lấy mất 2/3 số chiêng trong bộ chiêng truyền thống. Những chiếc còn lại, bố ông đành đem bán.

Ông Siu Yát là cá nhân duy nhất của làng Bông La và 6 làng dân tộc thiểu số khác của xã Ia Băng sở hữu bộ cồng chiêng truyền thống gần 30 chiếc. Ảnh: Minh Châu

Ông Siu Yát là cá nhân duy nhất của làng Bông La và 6 làng dân tộc thiểu số khác của xã Ia Băng sở hữu bộ cồng chiêng truyền thống gần 30 chiếc. Ảnh: Minh Châu

Trưởng thôn Bông La cho hay, vài năm trở lại đây, xã, huyện rồi tỉnh thường xuyên tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc, ngày hội đại đoàn kết. Các nhà thờ Công giáo cũng tổ chức hoạt động giao lưu cồng chiêng giữa các làng. Vì vậy, những tay chiêng giỏi của làng Bông La được tập hợp thành một đội chiêng tham gia các sự kiện.

“Mình rất tự hào vì Bông La là làng duy nhất của xã còn lưu giữ được 4 bộ chiêng, có đội chiêng với gần 30 thành viên. Đội chiêng của làng thường xuyên đại diện cho xã tham gia trình diễn tại các sự kiện văn hóa, ngày hội đại đoàn kết, giao lưu với đơn vị bộ đội đứng chân trên địa bàn. Những hoạt động như vậy giúp bà con hiểu thêm để trở về với di sản văn hóa.

Cồng chiêng không nhất thiết chỉ dùng trong lễ hội mà hiện nay có nhiều dịp sử dụng, là sợi dây gắn kết các thành viên trong cộng đồng. Có cồng chiêng, mình mới giới thiệu được bản sắc văn hóa của mình với các làng xã khác. Cồng chiêng giúp thế hệ trẻ ý thức về truyền thống văn hóa, gốc gác của mình hơn”-ông Lang chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Hà-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Băng: “Làng Bông La là điểm sáng trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Cả xã chỉ có duy nhất 1 đội chiêng của làng, đại diện tham gia các sự kiện văn hóa, ngày hội đại đoàn kết và nhiều hoạt động khác”.

Trưởng thôn Rơh Lan Lang và ông Siu Yát ngồi trước hiên nhà kiểm tra lại bộ chiêng chuẩn bị cho Ngày hội văn hóa của huyện Đak Đoa sắp tới. Họ còn bàn đến những dự định trong năm mới. Nhận thức được vai trò, sự chuyển đổi của cồng chiêng, ông Siu Yát cùng những thành viên của đội chiêng nghĩ đến việc truyền dạy cho thế hệ kế cận.

Ông Yát bày tỏ: “Phần lớn những người biết chơi cồng chiêng ở làng đều đã lớn tuổi nên đến lúc phải đào tạo đội ngũ kế cận. Nhiều năm qua, bà con cứ nghĩ có lễ hội mới đánh cồng chiêng, không thì cũng không cần. Nhưng bây giờ bà con đã nghĩ khác.

Làng Bông La tập hợp một đội chiêng trẻ, mình tham gia truyền dạy song vẫn chưa được quy củ, bài bản lắm. Mình cùng các nghệ nhân sẽ thay phiên nhau truyền dạy cho các cháu để hình thành đội chiêng kế cận cho làng”.

Theo những người già, dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ đi đôi với việc giúp họ hiểu được vì sao phải duy trì hoạt động này, vì sao cần bảo tồn và phát huy giá trị cồng chiêng. Khi đã ý thức được điều đó, di sản văn hóa cha ông để lại mới được giữ gìn và phát triển bền vững trong môi trường sống có nhiều biến đổi, thiếu vắng một số lễ hội như hiện nay.

Trưởng thôn Rơh Lan Lang (bìa phải) và ông Siu Yát (bìa trái) kiểm tra bộ chiêng chuẩn bị cho các sự kiện văn hóa sắp tới. Ảnh: M.C

Rate this post

More articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Latest article