“Cô bé bán diêm là số đơn. Cô đã chết vì thiếu lửa… Nước Việt hình chữ “S”, hiện thân của số nhiều, lẽ nào không biết nuôi lửa và truyền lửa, lẽ nào thiếu lửa?”, trích dân đề thi lớp 12 tại tỉnh Gia Lai.
Học sinh lớp 12 tại tỉnh Gia Lai vừa kết thúc bài kiểm tra học kỳ 2, môn thi Ngữ văn năm học 2015-2016. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là câu hỏi ở phần đọc hiểu (2 điểm) lại gây cho các em học sinh sự hoang mang, khó hiểu. Ngay cả với những người không căng thẳng vì phải trực tiếp làm bài thi cũng thấy mình… không hiểu gì.
Đề thi của Sở GD&ĐT Gia Lai được lấy trích đoạn trong bài viết Thắp mình để sang xuân của tác giả Đoàn Công Lê Huy. Đoạn trích như sau:
“Hòn đá có thể cho lửa, cành cây có thể cho lửa. Nhưng chỉ có con người mới biết nuôi lửa và truyền lửa. Lửa xuất hiện khi có tương tác, ít ra là 2 vật tạo lửa. Lửa là kết quả của số nhiều. Cô bé bán diêm là số đơn. Cô đã chết vì thiếu lửa, để rồi từ đó loài người đã cảnh giác thắp nến suốt mùa Giáng sinh để cho không còn em bé bán diêm phải chết vì thiếu lửa.
Nước Việt hình chữ “S”, hiện thân của số nhiều, lẽ nào không biết nuôi lửa và truyền lửa, lẽ nào thiếu lửa? Không có lửa, con rồng chẳng phải là rồng, chỉ là con giun con rắn. Không có lửa, làm gì có “nồng” nàn, “nhiệt” tâm! Làm gì có “sốt” sắng, “nhiệt” tình, đuốc tuệ!
Làm gì còn “nhiệt” huyết, “cháy” bỏng! Sẽ đâu rồi “lửa” yêu thương? Việc mẹ việc cha, việc nhà việc nước, làm gì với đôi vai lạnh lẽo, ơ hờ? Không có lửa, em lấy gì “hun” đúc ý chí, “nấu” sử sôi kinh? Em không thể “woot!” cũng chẳng “hot”, sống đời thực vật vô tri như lưng cây, mắt lá, đầu cành, thân cỏ… Cho nên: Biết ủ lửa để giữ phẩm cách – người, nhân cách – Việt. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Thế nhưng: Nếu không có lửa, sao thành mùa xuân?”
Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh (giảng viên Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương và cộng tác với một số trường đại học khác tại TP.HCM trong việc dạy các kỹ năng mềm cho sinh viên) phân tích: “Cô bé bán diêm là SỐ ĐƠN, cô đã chết vì thiếu lửa”, tôi không hiểu số đơn ở đây là thế nào. Theo tôi được biết cô bé bán diêm chết không phải vì thiếu lửa mà vì cô ấy có nguyên hộp diêm để tạo ra lửa.
Cái nữa, “Nước Việt hình chữ S, hiện thân của số nhiều” nghe cũng lạ quá. Rồi “Không có lửa, con rồng chẳng phải là rồng”… Rất nhiều câu nữa. Nói chung đoạn văn này đọc lên thấy vô lý, khiên cưỡng, dường như tác giả đang cố gắng “gắn” cái chuyện lửa vào những chuyện đâu đâu cho ra vẻ trừu tượng hóa, văn học hóa và triết lý hóa chăng”. Tuy nhiên, dù cao siêu nhưng đề thi này lại khiến cho học sinh thêm hoang mang, khó hiểu.
Thêm một điều nữa là đề thi Văn lớp 12 cần phải có thời gian 120 phút, đằng này đề thi chỉ có 90 phút, quá ít thời gian để cho các em suy nghĩ và cảm nhận làm bài”.
Thạc sĩ Phúc Thịnh cũng nhấn mạnh: “Việc ra đề thi mở hiện nay rất đáng ghi nhận. Những người ra đề thi đã cố gắng, tích cực mang hơi thở cuộc sống vào đề thi, cũng là định hướng mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đề thi này mình đọc lên cũng hiểu tác giả muốn đề cập đến nghĩa bóng của từ lửa, đặc biệt là lửa nhiệt huyết trong cuộc sống. Nếu không có lửa chúng ta sẽ không làm được gì hết. Tuy nhiên, đoạn trích dẫn này làm hỏng đi ý nghĩa của đề thi.
Thực tế có rất nhiều tác phẩm hay bài thơ khác nói về lửa, hoặc cuộc sống. Ví dụ như năm vừa rồi có tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” mang tính nhân văn cao, có nhiều bài học nhẹ nhàng, sâu lắng để học sinh cảm nhận”.