Anh Đào Tiến Tình ở thị trấn Chư Sê, H.Chư Sê (Gia Lai) sau 15 năm say mê, cần mẫn với đồng đất Tây nguyên, hiện mỗi năm thu hơn 10 tỉ đồng.
Ly hương lập nghiệp
Rời vùng quê Thái Bình đất chật, người đông gần tròn 15 năm, anh Đào Tiến Tình đã có gia tài nhiều tỉ đồng và một cơ ngơi hoành tráng.
Anh Tình kể: “Trong một dịp ngẫu nhiên tôi đi thăm bà con cách đây hơn 15 năm trước ở H.Chư Sê. Thấy nhiều người ngoài quê trước đây nghèo khổ nhưng không hiểu sao chỉ sau vài năm mà họ khấm khá hẳn. Tôi tò mò tìm hiểu biết được nhờ trồng hồ tiêu, cà phê và một số loại cây khác nữa, bán được giá, năng suất lại đạt nên phất lên. Bỏ thời gian đi nhiều trong huyện, tôi thấy đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi, chẳng có bão lũ như ngoài quê. Làm nông ở quê vất vả lắm mà lại hay gặp bất trắc do thời tiết nữa. Trở lại quê sau một tuần, tôi quyết định vào Tây nguyên lập nghiệp. Vậy là bán hết những gì có thể bán được, vay mượn thêm họ hàng được một số vốn lận lưng, tôi để lại vợ và đứa con trai mới 4 tuổi, một mình vào Chư Sê”.
Với tài sản ban đầu là 1,5 ha cà phê, mua với giá 15 triệu, chỉ sau hai mùa, anh Tình đã thu đủ vốn, còn dư thêm chút đỉnh.
“Đợt tưới cà phê cũng vào dịp Tết. Nếu không tưới kịp cây sẽ rụng quả, héo khô kéo theo giảm năng suất. Người ta ăn Tết đầm ấm có vợ con, còn mình lủi thủi với vườn cà phê. Năm 2003, sau khi thu xếp tạm ổn, tôi đón vợ con cùng vào Gia Lai” – anh Tình nói.
Lúc này phong trào trồng tiêu ở Gia Lai bắt đầu phát triển. Anh Tình lấy tiền bán cà phê mấy năm, vay thêm ngân hàng mua được ba sào đất, trồng 700 gốc hồ tiêu. Cây và đất không phụ công người chăm sóc. Ba năm sau vườn tiêu của nhà anh bắt đầu cho lứa quả đầu tiên với năng suất khá cao. Và đến hôm nay, anh đã có hơn 20 ha hồ tiêu, trong đó hơn 10ha hồ tiêu đã kinh doanh. Anh Tình là một trong những phú nông cự phách về diện tích tiêu của vùng chuyên canh tiêu lớn nhất Gia Lai ở hai huyện Chư Sê và Chư Puh.
Thu hơn 10 tỉ đồng mỗi năm
Vài ba niên vụ trở lại đây, hồ tiêu tăng giá, lên đến 170 – 230 ngàn đồng/kg. Cả vùng chuyên canh hồ tiêu của Gia Lai như vào hội. Nông dân phấn khởi, tăng cường đầu tư chăm sóc, trồng mới cây tiêu. Nhưng quỹ đất thích hợp cho hồ tiêu cũng cạn dần. Mỗi gia đình chỉ có chừng vài ba ha hồ tiêu. Lúc này, anh Tình đã có sẵn 10 ha hồ tiêu kinh doanh.
“Chăm hồ tiêu chả khác gì chăm con mọn, gần như tôi phải chạy quanh các vườn tiêu nằm rải rác ở các xã của H.Chư Sê. Đến mùa hái thì cắm chốt 24/24 ở vườn tiêu. Vợ tôi nói vui vườn tiêu mới là… vợ! Mỗi ngày tôi thuê hơn 100 nhân công hái tiêu. Phải hái cả tháng mới hết. Còn ngày thường luôn có 15 người làm ở các vườn tiêu với thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng. Toàn bộ người làm, tôi thuê ở địa phương, vừa tin tưởng vừa tạo công ăn việc làm cho những nông dân lúc nông nhàn. Nhiều nông dân tới nhà tôi làm công, đồng thời học luôn kỹ thuật chăm sóc tiêu rồi về làm cho gia đình. Tôi sẵn sàng chia sẻ cùng họ” – anh Tình cho biết.
Niên vụ 2013 – 2014, gia đình anh Tình thu được sản lượng tiêu kỷ lục, lên đến 60 tấn. Sau khi trừ chi phí anh lãi ròng cả hơn chục tỉ đồng. Niên vụ này năng suất toàn vùng bị giảm do thời tiết thất thường cùng nhiều nguyên nhân khác nhưng sản lượng tiêu của gia đình anh cũng đạt 35 tấn. Tiêu được giá, có thời điểm lên đến 230 ngàn đồng/kg. Anh Tình cũng bỏ túi gần cả chục tỉ đồng. Với năng suất bình quân đạt 5-7 tấn/ha, vườn tiêu của gia đình anh cũng đạt kỷ lục về năng suất cũng như sự ổn định qua từng mùa. Có tiền, anh tập trung mua thêm máy móc, xây dựng nhà kho, mua sắm phương tiện sản xuất, sinh hoạt. Nhà cửa, xe cộ tiền tỉ và những thành công khác là sự tưởng thưởng xứng đáng cho người nông dân chịu khó học hỏi, mạnh dạn làm ăn lớn này.
Anh đã sưu tầm cho mình đủ các giải thưởng từ địa phương cho đến trung ương về thành tích vượt khó làm giàu. Anh cho biết đứa con lớn của gia đình, năm tới học năm cuối của Trường Đại học kinh tế TP.HCM, sau khi lấy bằng cũng sẽ về phụ giúp gia đình. Mơ ước của anh là sẽ chế biến ra một số sản phẩm hồ tiêu đạt chất lượng cao hơn để tăng giá bán, góp phần nâng tầm thương hiệu hồ tiêu Chư Sê.
Thu tiền tỉ từ tiêu
Ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết: “Với giá tiêu từ 200 – 220 ngàn đồng/kg như hiện nay, tính sơ cả hai huyện có vùng chuyên canh hồ tiêu lớn nhất Gia Lai là Chư Sê, Chư Pưh, có khoảng 1.000 nông dân có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm từ hồ tiêu. Số nông dân thu tiền tỉ từ loại cây này cũng không phải là ít”.