Ngày nay cụm từ tiểu đường đã trở thành một cụm từ quen thuộc với nhiều người bởi hiện tại tỷ lệ mắc căn bệnh này ở Việt Nam đang tăng lên theo từng năm. Chắc cũng có nhiều bạn tự đặt câu hỏi tại sao lại có tiểu đường, và tại sao trên TV trong các chương trình sức khỏe hay quảng cáo các dạng thuốc lại nói đến tiểu đường type 1 và với type 2. Vậy hai type này có điểm gì giống và khác nhau?
Đầu tiên chúng ta cần biết tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa chất đường trong cơ thể do tuyến tụy không tự sản xuất được insulin hoặc sản xuất đủ nhưng không hoạt động bình thường, bị rối loạn chuyển hóa insulin. Insulin là một loại kích thích tố, hormone có tác dụng hộ tống chất đường trong máu đi nuôi các tế bào. Vì vậy, khi thiếu insulin đường không thể chuyển tới các tế bào do đó phải thải qua đường nước tiểu gây ra bệnh tiểu đường.
Theo WHO định nghĩa thì tiểu đường là một hội chứng có đặc tính biểu hiện bằng tăng glucose máu do hậu quả của việc thiếu hoặc mất hoàn toàn hoặc liên quan đến sự suy yếu trong bài tiết và hoạt động của insulin.
Điểm chung của cả 2 type tiểu đường là chúng cùng là căn bệnh mạn tính, làm ảnh hưởng đến cách cơ thể bạn chuyển hóa đường trong máu. Cả 2 type này đều dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao, từ đó sẽ dẫn đến các biến chứng tiểu đường nếu không được điều trị hợp lý. Các triệu chứng chung của hai type này nếu không được điều trị mình có để ở bảng phía gần cuối bài nhé.
Với những người bị mắc tiểu đường type 1 thì cơ thể họ không hề sản sinh ra insulin, kiểu như cửa có khóa nhưng không hề có chìa khóa để vào. Còn với những người mắc tiểu đường type 2 thì cơ thể họ không phản ứng với insulin theo cách thông thường, và về sau cơ thể sẽ không thể sản sinh đủ lượng insulin, hiểu theo kiểu cửa có khóa nhưng chìa khóa lại bị hỏng không mở được cửa vậy.
Những người bị tiểu đường type 1 cũng hay có các vấn đề về tâm trạng hay thay đổi bất thường, đi cùng là việc giảm cân không theo chủ ý. Các triệu chứng của type 1 thường tiến triển nhanh, thường chỉ trong vòng khoảng vài tuần và trước đây còn hay được gọi là tiểu đường vị thành niên bởi chúng thường hay gặp ở lứa tuổi này, tuy nhiên cũng có những trường hợp phát bệnh ở lứa tuổi lớn hơn.
Với những người tiểu đường type 2 thì ác hơn, các triệu chứng không theo dạng bùng phát mà ngấm ngầm dần tiến triển kéo dài hàng năm trời, cũng có những người không hề có triệu chứng nào và chỉ phát hiện ra bệnh khi các biến chứng bộc phát.
Các lý do gây nên bệnh tiểu đường
Hệ thống miễn dịch của cơ thể chúng ta có nhiệm vụ phản kháng lại các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài như các virus và vi khuẩn gây hại. Với những người bị type 1, hệ thống miễn dịch bằng một cách nào đó đã nhầm lẫn các tế bào khỏe mạnh thành các kẻ địch và tấn công và trừ khử luôn các tế bào beta có nhiệm vụ sản sinh insulin tại tuyến tụy. Kết quả là cơ thể không còn khả năng sản sinh insulin nữa. Đến thời điểm hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân tại sao cơ thể con người lại có thể nhầm lẫn như vậy, có những giả thuyết được đưa ra dựa vào các gen có vấn đề trong quá trình di truyền hoặc do các tác nhân liên quan đến môi trường như kiểu bị phơi nhiễm với virus chẳng hạn.
Những người bị tiểu đường type 2 thì ở dạng khác kiểu như kháng thuốc, còn ở đây là kháng insulin. Cơ thể họ vẫn sản sinh insulin nhưng không có cách nào để sử dụng chúng hợp lý. Cũng như trên các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu tại sao có người có có ngừoi không bị hiện tượng kháng insulin này, nhưng có vài yếu tố có liên quan đến cách sống đóng vai trò quan trọng đó là việc lười vận động và việc bạn bị béo phì. Ngoài ra còn có thể do gen di truyền và các tác nhân từ môi trường cũng có thể gây nên tiểu đường type 2. Khi bạn bị type 2, tuyến tụy của người bệnh vẫn sản xuất insulin nhưng cơ thể lại không sử dụng hợp lý lượng insulin này, dẫn đến glucose sẽ tích tụ vào máu của người bệnh.
Dưới đây mình có để 1 bảng tổng kết sự giống và khác về triệu chứng cũng như nguy cơ của 2 type tiểu đường
Tiểu đường type 1 | Tiểu đường type 2 | |
---|---|---|
Triệu chứng | – Đi tiểu thường xuyên – Hay có cảm giác rất khát và hay phải uống nước – Hay có cảm giác rất đói – Hay thấy mệt mỏi, uể oải – Mắt bị mờ, nhìn mọi thứ không rõ – Các vết xước hoặc vết thương hở không tự lành như bình thường | |
Các nguy cơ có thể mắc | – Những người có bố mẹ hoặc anh chị em có tiểu đường type 1 sẽ có nguy cơ dễ bị type 1 hơn. – Type 1 có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng thường gặp nhất ở trẻ nhỏ và thanh niên. – Tỷ lệ tiểu đường type 1 tăng dần nếu bạn sống càng xa xích đạo. | – Bị tiền tiểu đường (lượng đường trong máu tăng nhẹ) – Thừa cân hoặc béo phì – Vừa có người trong gia đình bị tiểu đường type 2 – Tuổi quá 45 – Không vận động nhiều – Đã bị tiểu đường thai kì – Đẻ em bé nặng quá 4kg – Có quá nhiều mỡ bụng – Bị đa nang buồng trứng – Là người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Tây Ban Nha hoặc người Mỹ gốc La tinh, người Mỹ da đỏ hoặc người bản xứ Alaska |
Các cách phòng ngừa | Đáng buồn là tiểu đường type 1 không thể phòng ngừa được, nếu bạn bị thì chỉ có thể điều trị mà thôi. | – Giữ cân nặng ở mức hợp lý, nếu bạn bị béo phì thì nên hỏi bác sỹ các cách an toàn để giảm cân – Tăng cường hoạt động thể chất – Ăn uống cần chú ý giảm lượng đường nạp vào cơ thể cũng như các dạng thức ăn nhanh. |
Lấy máu xét nghiệm và kiểm tra HbA1C (Glycohemoglobin Test) là cách thông dụng nhất để kiểm tra xem bạn có bị tiểu đường hay không. Đây là bài test để xác định lượng đường trong máu của bạn trong vòng 2 hoặc 3 tháng gần đây. Nếu chỉ số này từ 6.5 trở lên thì bạn đã bị tiểu đường. Mình cũng có 1 bài về các chỉ số xét nghiệm.
Ở trên là các cách nhận biết cũng như sự khác nhau giữa hai dạng tiểu đường, còn tiểu đường thai kì là một dạng cấp tính trong quá trình mang thai, cũng có thể có ảnh hưởng đến việc mắc tiểu đường type 2 sau này nhưng mình không nhắc đến, có thể sẽ để một bài khác để nói về dạng tiểu đường này hay các dạng LADA, type 3c… cũng như các biến chứng hay các cách điều trị của hai dạng tiểu đường mình nói trên.
Chúc các bạn sống vui sống khỏe.