Phá cà phê trồng chanh dây
Vài tháng nay, giá quả chanh dây trên địa bàn Gia Lai và Kon Tum bất ngờ tăng chóng mặt. Chỉ chừng vài tháng trước, giá chanh dây ở mức 10 nghìn đồng/kg, nhưng thời gian gần đây, giá chanh luôn tăng dần. Đặc biệt, 4 ngày nay, giá quả chanh dây tăng liên tiếp từ 40 nghìn đồng/kg – 46 nghìn đồng/kg và 56 nghìn đồng/kg (vào ngày 24/3). Điều đáng nói, giá quả chanh tăng thì giá cây giống cũng tăng giá theo và tính đến ngày 24/3, giá mỗi dây chanh giống là 44 nghìn đồng/dây; và những dây chanh giống này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Chanh dây tăng giá, nhiều nông dân đã ồ ạt chặt bỏ những vườn cà phê và cao su trị giá hàng trăm triệu đồng mà bao nhiêu năm chăm sóc để trồng chanh dây.
Mặc dù 1 ha cà phê đã thu hoạch bước vào năm thứ 6, nhưng gia đình chị Trần Thị Huyền (thị trấn Kon Dỡng, Mang Yang, Gia Lai) vẫn quyết định chặt bỏ vườn cà phê nhà mình để trồng chanh dây. Chị Huyền cho biết, để đầu tư một vườn cà phê cho đến năm thứ 6 như hiện nay, gia đình chị đã bỏ ra khoảng 200 triệu đồng từ khi bắt đầu trồng đến nay. Tuy nhiên, gia đình chị Huyền vẫn quyết định chặt bỏ vườn cà phê này để trồng chanh dây.
Chị Huyền tính, 1 ha cà phê, trung bình 1 năm cho khoảng 3 tấn nhân. Với giá cà phê như hiện nay, gia đình chị bán chỉ được khoảng hơn 90 triệu đồng. Trừ tất cả các chi phí, cả một năm gia đình chị chỉ lời được khoảng hơn 20 triệu đồng từ 1 ha cà phê này.
“Trồng cà phê rất mất công sức, sau 3 năm cà phê mới bắt đầu cho thu hoạch, mùa khô thì tưới nước, cắt cành; mùa mưa thì làm cỏ, bón phân… Tuy nhiên, lời lại không cao. Năm nay cà phê vừa mất mùa, vừa mất giá, cả năm chúng tôi chỉ lời được hơn 20 triệu đồng. Trong đó gia đình tôi 4 người, 2 con nhỏ đang ăn học, chúng tôi chi tiêu như thế nào với 20 triệu đồng/năm đây?”, chị Huyền chia sẻ.
Bị lôi cuốn bởi giá chanh dây đang tăng chóng mặt, gia đình chị Huyền quyết định chặt bỏ cả vườn cà phê để trồng chanh dây. Chị Huyền phân tích, cây chanh dây có tuổi thọ 3 năm, sau khi trồng 6 tháng, chanh bắt đầu ra hoa, hơn 2 tháng sau thì bắt đầu thu hoạch. Chanh cho thu hoạch liên tục cho đến khi dây tàn, với trung bình 90 tấn/ha/năm. Với giá bán hiện nay, mỗi ngày người trồng chanh thu lợi lên đến tiền triệu.
“Chanh dây bán với giá 10 nghìn đồng/kg thì người trồng chanh cũng đã có lời rồi, còn như hiện nay giá đã 56 nghìn đồng/kg thì siêu lợi nhuận. Trồng chanh dây cũng nhẹ nhàng, công chăm sóc cũng không nhiều, rủi ro cây chết cực kì thấp” chị Huyền lý giải việc bỏ cây cà phê để trồng chanh dây.
Cũng bị hấp dẫn bởi giá chanh dây, gia đình bà Nguyễn Thị Lụa (thị trấn La Kha, La Grai, Gia Lai) đã nhanh chóng chặt bỏ cà phê, cao su để lấy đất trồng 1 ha chanh dây. Bà Lụa cho biết, tổng chi phi đầu tư 1 ha chanh dây của bà với hệ thống tưới nước nhỏ giọt là 200 triệu đồng. Hiện vườn chanh dây của bà đã thu hoạch được 1 tháng nay. Sau khi hái chanh xong, thương lái đến tận vườn thu mua và xuất bán sang Trung Quốc. Và với giá bán như hiện nay, gia đình bà Lụa bỏ túi trên 3 triệu đồng/ngày.
Bà Lụa nhẩm tính, mỗi năm vườn chanh dây của gia đình bà cho thu hoạch khoảng 90 tấn các loại, tương đương với giá trị của 60 tấn cà phê nhân hiện tại. Trong khi đó, để có 60 tấn cà phê nhân thì phải có khoảng hơn 10 ha đất để trồng. Chính vì vậy, gia đình bà không hề nuối tiếc khi phá vườn cà phê đang cho thu hoạch của nhà mình, và chuẩn bị phá thêm 3 sào cà phê để trồng chanh dây.
Sự hấp dẫn của giá chanh dây đã khiến nông dân ở các huyện, thị như: Mang Yang, Chư Sê, Chư Păh, La Grai… của Gia Lai chặt phá những rẫy cà phê xanh tốt, chuyển sang trồng chanh dây. Và không chỉ có giá quả chanh tăng chóng mặt, mà những dây chanh giống có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng đã được “đẩy” lên cao. Cách đây chừng vài ngày, giá dây chanh giống từ 36 nghìn đồng/dây thì nay đã tăng lên 44 nghìn đồng/dây.
Chuyện có bất thường?
Chị Mai Thị Nhung – Phó Chủ tịch UBND xã Hải Yang (Mang Yang) cho biết: Cuối năm 2015, tổng diện tích trồng chanh dây trên địa bàn xã là 39,4 ha. Hiện nay, số diện tích trồng chanh dây đã tăng lên khá nhiều. Điều khiến chị lo ngại là giá quả và giống chanh dây hiện nay đã tăng một cách chóng mặt, khiến người dân sẵn sàng chặt bỏ cà phê để trồng chanh dây. Trong khi giống cây chanh được mua từ Trung Quốc, quả chanh thì cũng được bán cho các thương lái Trung Quốc.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT Gia Lai, cây chanh dây trên địa bàn phát triển hoàn toàn tự phát. Người dân thấy có giá nên trồng. Hiện tỉnh có khoảng 301ha chanh dây, trong đó, chỉ riêng năm 2015 đã trồng mới 108 ha và dự báo thời gian tới diện tích sẽ còn tăng.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Đắk Hà (Kon Tum), khoảng 2 – 3 năm trước, nông dân nơi đây cũng ồ ạt trồng chanh dây. Đỉnh điểm có hộ trồng cả 4 – 5 ha. Sau 1 thời gian, cây chanh dây bị “bể”, quả chanh sau khi thu hoạch bán không ai mua nên người dân không trồng nữa. Đến bây giờ, khi giá chanh dây lên cao thì người dân cũng trồng lại. Tuy nhiên, do đã vấp 1 lần nên bây giờ dân thận trọng hơn nên trồng rất ít và nằm rải rác.
Các hộ trồng chanh cho biết, khi thu hoạch xong, thương lái đến tận nhà mua rồi xuất bán sang Trung Quốc. Giá cả hoàn toàn do các thương lái này chi phối.
Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng NN-PTNT Chư Pưh (Gia Lai) cho biết: Mấy năm trước, ông liên kết nhiều hộ dân xã H’Bông (huyện Chư Sê, Gia Lai) để đầu tư vườn chanh dây 30 triệu đồng. Tuy nhiên, sau 2 năm trồng, nhận thấy chanh dây không “dễ nuốt” khi liên tục mắc đủ bệnh, thậm chí chẳng có thương lái đến mua nên nhóm ông phá chanh, chấp nhận lỗ 10 triệu đồng tiền đầu tư.
Ông Hà Ngọc Uyển, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai cho biết, địa phương chưa có nhà sản xuất chanh dây mà hoàn toàn thông qua lái buôn thu mua vận chuyển sang các vùng khác bán, vì thế giá cả không ổn định, tồn tại nhiều rủi ro.
“Việc ồ ạt trồng chanh dây còn gây các hệ lụy như sẽ lấn chiếm đất trồng của các cây trồng khác, ảnh hưởng đến quy hoạch nông nghiệp. Nông dân không xác định được đất nào là phù hợp hay không nên cứ trồng, dẫn đến tình trạng sâu bệnh phát triển triển mạnh, gây thiệt hại sản xuất…, ngoài ra còn gây kiệt quệ, thoái hóa, ô nhiễm môi trường đất, mất cân bằng hệ sinh thái”, ông Uyển nói.
Điều đáng nói, để trồng 1 ha cà phê thì phải mất đến 3 năm mới thu hoạch được, còn 1 ha cao su thì mất đến trên 4 năm, cùng với chi phí lên đến tiền trăm triệu; vậy nhưng, người dân đã không ngần ngại chặt bỏ những vườn cây này để trồng chanh dây, khiến cho việc quy hoạch cây cà phê bị phá vỡ. Trong khi vấn đề tìm đầu ra chắc chắn cho quả chanh dây chưa hề có, vẫn phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc.
Trên thực tế cũng đã có rất nhiều thương vụ tương tự mà người nông dân Việt Nam nếm “trái đắng” từ các thương lái Trung Quốc.