Bấy lâu nay chúng ta đã mắc một sai lầm lớn vì không ý thức được rằng lợi ích lớn nhất của côn trùng chính là loài ăn thịt côn trùng.
>> Phần I: Rệp sáp tên vô lại !
Nhiều loài côn trùng như châu chấu sinh sản nhanh đến nỗi chúng có thể bao phủ Trái Đất chỉ trong một mùa sinh sản. Tuy nhiên lại có hằng trăm loài côn trùng khác ăn trứng của chấu chấu, một số loài thì ăn cả những con trưởng thành. Vai trò này trong sinh thái thường được cho là của chuỗi thức ăn, mạng lưới lưới thức ăn tự nhiên, gọi chung là thiên địch, có vai trò cân bằng và ổn định hệ sinh thái. Sự quan tâm với việc kiểm soát dịch hại bằng thuốc trừ sâu từ nguồn gốc hóa học có thể có tác dụng ngược lại, vì chúng ta đã không nhận ra rằng trong tự nhiên chính sinh vật đã tự kiểm soát lẫn nhau và kiểm soát các quần thể có hại. Vì thế việc kiểm soát dịch bệnh bằng thuốc hóa học có thể dẫn đến sự bùng phát một loại dịch bệnh nào đó…
Cỏ dại
Trong mắt nhiều người, cỏ dại là những thực vật mọc ở nơi mà con người không mong muốn hoặc là những thứ gây phiền toái cho con người.
Tuy nhiên, cỏ dại cũng mang lại nhiều lợi ích như: làm giảm vận tốc dòng chảy, ngăn chặn sự xói mòn giữ đất không cho nước cuốn trôi ; một số loài cỏ dại hấp thụ được các khoáng chất có độc tính, lọc nước, chống ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ môi trường ; duy trì độ ẩm của đất ; tăng độ phì cho đất….
Theo tôi, nếu chúng ta canh tác các loại cây ngắn ngày như bắp, đâu, lúa, các loại rau củ… thì đúng là cỏ dại đã gây nhiều phiền toái. Nhưng trên những vườn cây lâu năm như tiêu, cà phê,… các loại cây ăn trái… những nhà khoa học đã khuyên nhà nông nên giữ cỏ dại một cách có kiểm soát. Vì ngoài các lợi ích nêu trên, cỏ dại còn là nơi trú ẩn lý tưởng của nhiều loài côn trùng có ích. Tôi quan sát mỗi khi rệp sáp bùng phát thành dịch, phần lớn chúng phá hoại phần trên của cây, hút các chất dinh dưỡng trên các đọt non, phần còn lại chúng trú ẩn và chích hút ở phần rễ của nhiều loài cỏ dại như cỏ chỉ, cỏ chồi hôi, cỏ gấu…
Trường hợp nếu không có cỏ dại trong vườn tiêu thì lũ rệp sáp cắn phá ở đâu, cái gì ngoài cây tiêura.
Như vậy, cỏ dại có ảnh hưởng hai mặt đến nông nghiệp và đời sống con người, vừa có hại vừa có lợi, do đó tùy trượng hợp cụ thể mà phòng trị triệt để chúng, hay lợi dụng chúng làm những việc có ích khác. Một khi đã cân bằng được sinh thái trong khu vườn của mình việc quản lý dịch bệnh phần lớn dựa vào bàn tay của các loài thiên địch hoặc chúng ta có thể can thiệp bằng cách sử dụng các sản phẩm sinh học hỗ trợ thêm để tiêu diệt sâu bệnh. Cho nên những vườn cây chưa được phủ kín bằng lạc dại tạm thời nên nuôi cỏ dại và có biện pháp tích cực khống chế nó.
Ngoài ra, việc tỉa chồi tạo tán trên cây trụ sống và tưới tiêu cũng góp phần không nhỏ vào việc quản lý dịch hại cây trồng.
Như chúng ta đã biết thời tiết quyết định phần lớn sự phát sinh và phát triển thành dịch của côn trùng, cho nên việc tỉa chồi tạo tán hợp lý để cây có bóng râm trong mùa nắng hoặc trồng xen canh những cây như điều, bơ…vừa có thêm thu nhập vừa làm cây chắn gió, che nắng vì cây tiêu rất thích hợp với ánh nắng tán xạ .Tưới tiêu cũng vậy, khi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc tưới bép xoay, nên lắp đặt thêm các co ống để tưới tay phòng khi những năm hạn hán bùng phát dịch bệnh. Khi tưới nước cũng nên tắm mát cho cây tiêu, việc này góp phần hạn chế sự lây lan và bùng phát dịch bệnh một cách đáng kể.
Nên tiêu diệt kiến định kỳ, cứ khoảng từ 2-3 tháng dùng cá tươi + regent làm bã diệt kiến. Xin được nhắc lại, khi nấm bornetina cộng sinh với rệp sáp đóng măng xông bao quanh rễ, bản thân tôi chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để xử lý chúng.
Việc sử dụng các sản phẩm sinh học cũng là điều đáng nói. Các loài vi nấm nói chung rất kỵ các loại thuốc gốc hoá hoc. Rửa sạch các dụng cụ phun thuốc là điều rất quan trọng, nếu không vô tình chúng ta đã tiêu diệt chúng trước khi chúng được sử dụng một cách hữu ích.
Trước khi đặt niềm tin vào sản phẩm nào đó hãy kiểm tra tính hiệu quả của nó. Cách làm đơn giản như sau: sau khi phun thuốc vào sâu, rầy đem chúng vào nhà lấy cái rổ úp lên chúng khoảng 5-7 ngày sau lấy kính lúp mà soi nếu vi nấm phát huy tác dụng thì sâu sẽ bị thối rữa do nấm ký sinh vào chúng, với rệp sáp nếu còn sống thì chân chúng ngo ngoe cử động nếu chết thì chúng nằm im thân thể khô teo lại. Phải thay đổi cách làm thôi, không thì cả đời làm nông của chúng ta cứ phải chạy theo rầy, rệp khổ lắm.
Chúc các bạn thành công!